Những ngày qua, một số doanh nghiệp (DN) khai thác cát ở tỉnh Bình Định phản ứng quyết liệt việc UBND tỉnh này không cho bán cát xây dựng ra ngoài tỉnh. Đến thời điểm này, ít nhất có 2 DN bị thiệt hại nặng gửi văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn.
Bỗng dưng bị cấm
Một trong số đó là Công ty CP Môi trường và Nông nghiệp UV Tech (gọi tắt là Công ty UV Tech, trụ sở TP HCM). Ông Đào Trung Vịnh, Giám đốc Công ty UV Tech, cho biết từ ngày 1 đến 13-7, Công ty UV Tech mua hơn 1.700 m3 cát xây dựng của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc (trụ sở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), sau đó chuyển đến kho bãi của cảng Thị Nại chờ xuất vào TP HCM.
Đến chiều 14-7, khi tàu cập cảng chuẩn bị nhận hàng thì ông Vịnh nhận được thông báo dừng xuất cát ra ngoài tỉnh theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định ban hành cùng ngày. "Trước khi ký hợp đồng mua hàng, tôi đã xem giấy phép do UBND tỉnh Bình Định cấp cho Công ty Hiếu Ngọc vào năm 2016. Theo giấy phép thì ngoài khai thác cát, Công ty Hiếu Ngọc còn được phép tiêu thụ nội địa. Chúng tôi mua hàng hợp pháp, không phải hàng cấm mà bị cấm thì không thể chấp nhận được" - ông Vịnh bất bình.
Hơn 1.700 m3 cát xây dựng của Công ty UV Tech bị ách lại tại cảng Thị Nại Ảnh: ANH TÚ
Theo ông Vịnh, do lô hàng bị ách lại, Công ty UV Tech phải bồi thường từ chối vận chuyển cho hãng tàu hàng chục triệu đồng, tiến độ giao hàng cho DN cuối nguồn bị ảnh hưởng. Đáng nói là ngày 18-7, Công ty UV Tech đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, đề nghị cho thông quan số cát trên nhưng đến nay vẫn chưa có trả lời cụ thể.
Cũng vì lệnh cấm trên, ngày 21-7, bà Nguyễn Thị Nam Phương, Giám đốc Công ty Hóa chất và Khoáng sản Việt World (Công ty Việt World, trụ sở TP HCM) gửi văn bản đến UBND tỉnh Bình Định, đề nghị cho xuất lô cát xây dựng bị ách lại từ cảng Quy Nhơn đi TP HCM.
Đầu tháng 6, Công ty Việt World ký hợp đồng mua cát xây dựng của một DN ở TP Quy Nhơn. Đến ngày 14-7, công ty tập kết được 110 container với khoảng 2.000 m3 cát tại cảng Quy Nhơn cũng là lúc nhận thông báo dừng xuất cát từ UBND tỉnh Bình Định. "Lô hàng cát có giá trị không lớn nhưng các chi phí dịch vụ kèm theo rất lớn. Nếu không xuất được thì chi phí phát sinh sẽ tăng theo hằng ngày..." - bà Phương trình bày trong văn bản.
"Chúng tôi rất hoang mang"
Như đã thông tin, ngày 14-7, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ký Công văn số 3613 gửi các sở, ngành yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt hoạt động khai thác cát, phục vụ đúng mục đích cung cấp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, không được xuất bán ra ngoài tỉnh. Việc không cho bán cát ra ngoài tỉnh theo lý giải của UBND tỉnh Bình Định là vì trên địa bàn tỉnh cần một lượng cát xây dựng rất lớn để phục vụ hoạt động xây dựng các công trình thiết yếu, trong khi trữ lượng các mỏ cát xây dựng trên địa bàn rất hạn chế.
Việc bất ngờ bị cấm bán cát đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN được cấp giấy phép khai thác cát và kinh doanh nội địa. "Sau khi được cấp phép, chúng tôi bỏ ra hàng tỉ đồng để đầu tư dây chuyền khai thác cát cung cấp cho các công trình xây dựng ở địa phương và ngoài tỉnh như Bình Thuận, Quảng Ngãi, TP HCM. Nếu không cung cấp cát theo hợp đồng thì bị phạt nặng, mà còn cố tình đưa cát đi thì trái lệnh của tỉnh, sẽ bị thu hồi giấy phép. Thật sự chúng tôi rất hoang mang, chẳng biết xử lý thế nào" - ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Hiếu Ngọc, lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ một DN ở TP Quy Nhơn, cũng cho rằng do đã ký hợp đồng cung cấp cát cho một số DN ở TP HCM trước khi tỉnh ban bành văn bản cấm nên cũng sẽ thiệt hại nặng nếu bị bồi thường hợp đồng. "Việc tỉnh đột ngột ra văn bản mà không thông báo trước, cho lộ trình thực hiện khiến kẻ mua người bán đều điêu đứng" - ông Ngọc nói.
Bà Nguyễn Thị K., chủ một mỏ cát trên sông Kôn (huyện Tây Sơn), cũng cho rằng việc cấm bán cát ra ngoài tỉnh rất vô lý. Theo bà, cát là một loại hàng hóa, có mua ắt có bán, mà bán ở thị trường nội địa thì có gì vi phạm đâu mà cấm!
Trái luật
Hiện UBND tỉnh Bình Định đã cấp 47 giấy phép thăm dò, khai thác cát cho 46 DN với tổng diện tích cấp phép khai thác 98,64 ha, trữ lượng cấp phép 2,28 triệu m3. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23-7, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết việc quy hoạch, cấp phép cho DN khai thác chủ yếu với mục đích phục vụ những công trình xây dựng tại địa phương. "Hiện nhiều công trình trọng điểm của tỉnh như Quốc lộ 1D, Khu Kinh tế Nhơn Hội... đang cần một lượng cát rất lớn để phục vụ cho xây dựng, trong khi trữ lượng cát ở địa phương lại có giới hạn. "Bởi vậy, việc Bình Định không cho xuất bán cát ra ngoài tỉnh là rất cần thiết" - ông Châu khẳng định.
Trong khi đó, luật sư Trần Bá Học, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng pháp luật hiện hành không có quy định nào bắt buộc DN chỉ được kinh doanh buôn bán trong địa bàn một tỉnh. Vì vậy, việc UBND tỉnh Bình Định không cho DN bán cát ra ngoài tỉnh là vừa trái luật vừa gây thiệt hại cho DN.
Bình luận (0)