Làm sao để giảm thiểu khoảng cách giàu - nghèo là chủ đề của hội thảo “Thu hẹp khoảng cách - cùng giảm bất bình đẳng ở Việt Nam” do Oxfam vừa tổ chức.
Một báo cáo gần 50 trang, nghiên cứu sâu về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam do Oxfam tiến hành trong khuôn khổ Chiến dịch thu hẹp khoảng cách tại Việt Nam, có nhiều thông tin rất đáng suy nghĩ.
Oxfam là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công. Báo cáo của Oxfam cảnh báo: Bất bình đẳng về kinh tế đi cùng với bất bình đẳng về tiếng nói và cơ hội khiến nhóm người nghèo nhất bị thiệt thòi trong khi lợi ích tập trung vào nhóm giàu.
Không chỉ ở Việt Nam, thế giới ngày nay đang đối mặt với một cuộc khủng khoảng bất bình đẳng chưa từng có. Oxfam cũng vừa công bố báo cáo “Nền kinh tế dành cho 99%”, cho thấy khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ và kêu gọi thay đổi căn bản trong cách quản lý nền kinh tế, từ đó đem lại lợi ích cho mọi người thay vì chỉ cho một số người may mắn. Cũng theo báo cáo này, từ năm 1988 đến 2011, thu nhập của 10% người nghèo nhất tăng 65 USD/năm trong khi thu nhập của 1% người giàu nhất tăng trung bình 11.800 USD/năm - gấp 182 lần.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam tăng trong 2 thập kỷ qua. Theo tính toán của Oxfam: Người giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người Việt Nam nghèo nhất trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có mức thu nhập cao hơn gần 5.000 lần số tiền mà nhóm 10% nghèo nhất Việt Nam chi hằng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Thu nhập trong một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - cho rằng mô hình kinh tế của Việt Nam thời kỳ sau đổi mới đã rất thành công, giúp phần lớn người dân thoát nghèo. Thế nhưng, khung chính sách hiện hành chưa đủ để giải quyết các dạng bất bình đẳng xã hội.
Bất bình đẳng là câu chuyện tất yếu, quốc gia nào cũng phải đối mặt, Việt Nam không ngoại lệ. Để khắc phục, từ lâu Việt Nam đã phải thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và hiện đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó dành 80% ngân sách trong tổng kinh phí hơn 41.000 tỉ đồng cho vùng “lõi” nghèo.
Nếu thực hiện tốt chương trình đó, cộng với việc thay đổi các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, tình hình bất bình đẳng xã hội sẽ thu hẹp, người nghèo, cận nghèo sẽ có điều kiện thoát nghèo.
Bình luận (0)