Trên các đường Pasteur, Trương Định (quận 3), Cách Mạng Tháng Tám (đoạn giao lộ Nguyễn Du đến Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), mật độ xe cũng dày đặc, ô tô lấn làn, đẩy người chạy xe máy phải lên vỉa hè. Nhiều người trong số đó biết chạy xe lên vỉa hè là phạm luật và mức phạt cho hành vi này không nhỏ nhưng họ vẫn làm liều vì khó có sự lựa chọn nào khác và còn do tập tính của người Việt: Chưa bị phạt thì cứ vi phạm.
Chắc chắn đây cũng là một trong những lý do khiến vỉa hè nhanh chóng xuống cấp và hư hỏng. Nhiều đoạn vỉa hè nhếch nhác, bong tróc, lộ đất đá, rác rưởi, những miệng cống không được dọn dẹp. Không ít vỉa hè bốc mùi hôi vì nhiều người vô ý thức xả bậy vào tường, bên gốc cây… Đó là những vỉa hè trên đường qua nhiều cơ quan, công sở, ít hoạt động mua bán. Còn những đoạn đường đông đúc thì vỉa hè bị lấn chiếm không thương tiếc.
Trước các cửa hiệu, quán cà phê hay quán nhậu, xe máy, ô tô đậu tràn vỉa hè, khách bộ hành chỉ có cách đi dưới lòng đường. Nhiều bãi giữ xe lấy luôn cả vỉa hè và lấn cả lòng đường, khách đi bộ chỉ có thể đi sát tường hoặc len lỏi giữa xe cộ. Đã thành một lề thói ích kỷ của thị dân ngày nay: Vỉa hè danh nghĩa là không gian công cộng nhưng mặc nhiên tồn tại nguyên tắc “ngang hông” là vỉa hè trước nhà nào là thuộc nhà đó, ai đứng chàng ràng hơi lâu mà không mua bán là bị lườm nguýt và bị đuổi ngay!
Tháng 3-2016, UBND phường 1, quận 5, TP HCM lắp đặt hệ thống rào chắn trên đại lộ Võ Văn Kiệt, kéo dài khoảng 500 m từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến đường Huỳnh Mẫn Đạt, vừa an toàn cho người đi bộ vừa hạn chế tình trạng lấn chiếm để buôn bán hay chạy xe máy, đậu xe trên vỉa hè. Mới đây, UBND quận 1 ra quân, quyết lấy lại không gian vỉa hè thoáng sạch, lập biên bản và cưỡng chế tại chỗ những trường hợp để hàng hóa, vật dụng, bàn ghế trên vỉa hè.
Trong ngày 9-2, vỉa hè các đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bến Nghé, quận 1) đã được gắn các thanh barie nhằm ngăn chặn tình trạng chạy xe máy. Dù việc này giữ được vỉa hè thông thoáng và không hư hỏng song cũng có những bất tiện phát sinh và chỉ nên làm ở những tuyến đường cần thiết. Điều quan trọng là tất cả quận, huyện đều phải ra sức giữ sạch vỉa hè, không làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, ra quân hô hào rồi vài bữa buông bỏ.
Mặt khác, kinh tế vỉa hè là một đặc trưng đô thị Việt Nam, đan xen các yếu tố thương mại, văn hóa, cảnh quan, đòi hỏi nhà quản lý lưu tâm đến sự phát triển hài hòa không gian đô thị và hỗ trợ nhu cầu mưu sinh của người nghèo. “Đòi lại” vỉa hè nhằm không để vỉa hè bị chiếm dụng mới là mục tiêu hàng đầu, sau đó phân loại đường nào không được buôn bán lấn chiếm vỉa hè, đường nào cho phép sử dụng vỉa hè có đóng phí, đường nào miễn phí. Lúc đó, vỉa hè không còn oằn mình, ngộp thở, cư dân thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để góp sức giữ gìn mỹ quan đô thị.
Bình luận (0)