Ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM, thừa nhận trước đây, công tác quản lý hệ thống thoát nước ở TP chưa được quan tâm đúng mức.
Làm kiểu thủ công
Theo ông Trường, từ năm 2007 trở về trước, việc quản lý số liệu thực hiện bằng các bản vẽ truyền thống, tập tin điện tử dạng Excel, AutoCad và phụ thuộc rất nhiều vào những người có kinh nghiệm.
Do đó, công tác lưu trữ, xử lý số liệu thường bị phân tán, dễ thất lạc và không thống nhất giữa chi nhánh và các phòng - ban; không thống nhất một đầu mối cung cấp dữ liệu cũng như hạn chế khai thác cơ sở dữ liệu để phục vụ công việc chuyên môn. Để xây mạng lưới thủy lực, các đơn vị phải số hóa từng thuộc tính như cao độ hầm ga, cửa xả; vẽ lại từng tuyến cống... nên tốn rất nhiều thời gian, công sức.
GS-TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TP HCM, cho biết số liệu đo đạc cho thấy mức độ ngập do triều ở TP tăng nhanh nhưng hiện nay, việc quản lý ngập vẫn làm theo phương pháp thủ công nên độ chính xác không cao và khả năng ứng phó chưa kịp thời. Do đó, TP cần đầu tư hệ thống quản lý ngập lụt bằng phần mềm để có thể mô phỏng khi mực nước dâng lên thì khu vực nào sẽ bị ngập, độ sâu bao nhiêu... nhằm cảnh báo người dân và đưa ra phương án giải quyết. Ông Niên nhận định biến đổi khí hậu sẽ làm cho các chỉ số về mưa, triều cường tăng lên so với trước đây. Do đó, chống ngập cũng cần thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế mới.
Theo GS-TSKH Nguyễn Ân Niên, có 2 nguyên nhân chính là do triều và nước mưa. Dự án giải quyết ngập do triều có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu đang triển khai có thể giải quyết ngập do triều nhưng đồng thời hệ thống cống phải thông suốt mới giải quyết được bài toán ngập úng ở TP hiện nay.
“Tôi đi thực tế một số nơi, ghi nhận trên đường vẫn ngập nhưng lượng nước chảy về các cống chính thì long tong cho thấy chưa có sự thông suốt giữa cống chính và các cống thu nước mưa” - ông Niên dẫn chứng. Theo ông, khi xảy ra ngập trên đường, cần có lực lượng đến dọn rác ở các hố ga để nước chảy xuống cống. Bên cạnh đó, chống ngập ở TP HCM cũng cần xem xét với các địa phương lân cận và các lưu vực sông khác như Đồng Nai, Vàm Cỏ, hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An...
Áp dụng công nghệ
GS-TSKH Nguyễn Ân Niên cho rằng TP HCM cần tăng cường áp dụng khoa học vào quản lý ngập úng, từ đó có những giải pháp giải quyết ngập hiệu quả. Vừa rồi, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam (AFD) đã có đề án nghiên cứu phần mềm quản lý ngập úng ở TP và sẽ bàn giao lại khi hoàn thành.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đồng ý về mặt chủ trương sẽ hỗ trợ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP thực hiện dự án “Nâng cao năng lực dự báo chính xác mưa và ngập”. Theo đó, các trạm quan trắc sẽ được lắp đặt ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một số kênh rạch trên địa bàn TP và lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai để lấy thông tin lượng nước đầu nguồn đổ về. Đồng thời, dự án cũng xây dựng hệ thống radar quan trắc và phần mềm mô phỏng ngập lụt để quản lý, cảnh báo khi xảy ra ngập.
Theo Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, đơn vị này đã nghiên cứu, đầu tư và xây dựng ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu bằng công nghệ GIS. Công nghệ này có thể lưu trữ tập trung, truy xuất dữ liệu qua internet và đồng bộ cơ sở dữ liệu trong toàn bộ công ty. Hệ thống này sẽ thống kê và cập nhật kịp thời những thay đổi của hệ thống thoát nước, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các nghiên cứu cũng như xử lý tình hình thực tế.
Theo ông Bùi Văn Trường, hệ thống GIS phải bảo đảm được 2 yêu cầu là đồng bộ cơ sở dữ liệu và cho phép chia sẻ thông tin. Do đó, công ty này phải đầu tư máy chủ với cấu hình cao, cho phép lưu trữ toàn bộ dữ liệu GIS và các máy trạm cũng có thể truy xuất vào máy chủ để thực hiện việc biên tập, cập nhật dữ liệu. Đồng thời, các công cụ thuộc phần mềm GIS cũng được xây dựng chi tiết để việc quản lý được dễ dàng, thuận lợi nhằm triển khai các kịch bản cụ thể, phục vụ công tác chuyên ngành.
Trong công tác quản lý tài sản hệ thống thoát nước, cơ sở dữ liệu GIS bao gồm các thông tin về địa điểm, tình trạng kỹ thuật, tình trạng hoạt động của hệ thống thoát nước... Từ đó, các chuyên viên nắm được thông tin kịp thời, chính xác và tạo thuận lợi trong công tác vận hành, bảo dưỡng, chống ngập cũng như đưa ra các giải pháp căn cơ để xử lý những tồn tại hiện hữu. Khi cơ sở dữ liệu GIS hoàn thiện, việc xây dựng mạng lưới trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, toàn bộ cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước thuộc khu vực nghiên cứu sẽ được trích xuất và tự động số hóa thành mạng lưới thủy lực chính xác theo cơ sở dữ liệu đầu vào.
“Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã hoàn thành các nghiên cứu xóa nhiều điểm ngập ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng như đánh giá được hiện trạng để đề xuất các giải pháp xóa ngập cho 2 khu dân cư Tân Quy - Tân Kiểng, Tân Phú - Phú Thuận” - ông Trường thông tin.
Đào tạo 3 nguồn nhân lực chính
Để duy trì hệ thống GIS, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM tổ chức đào tạo 3 nguồn nhân lực chính nhằm phục vụ việc quản trị, phát triển và khai thác thông tin.
“Hệ thống cơ sở dữ liệu GIS đã được Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP cơ bản hoàn thiện từ năm 2015 và đang tiếp tục cập nhật để bổ sung. Cơ sở dữ liệu từ hệ thống GIS góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu các phương án quy hoạch hệ thống thoát nước, giải pháp chống ngập căn cơ cho TP HCM. Tuy nhiên, hệ thống GIS hiện vẫn chưa hoàn thiện do công ty chỉ quản lý các tuyến cống cấp 1, 2 và một phần tuyến cống cấp 3 nên nhiều khu vực, cơ sở dữ liệu không được cập nhật” - ông Trường cho biết.
Bình luận (0)