Sáng 28-6 tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc đối thoại với dân để tìm giải pháp chống ngập. 8 giờ sáng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã đến hội trường Thành ủy Biên Hòa dự cuộc đối thoại với dân nhằm cùng nhau tìm giải pháp.
Theo báo cáo của UBND TP Biên Hòa, hiện tại TP có 25 điểm ngập nặng, trong đó 16 điểm thuộc trách nhiệm TP Biên Hòa quản lý. Gần đây, TP phát sinh thêm 3 điểm ngập.
Các điểm ngập nằm ở các khu vực phường Long Bình Tân, Quyết Thắng, An Bình, khu vực cầu Săn Máu, cầu Xóm Mai -phường Tân Phong, đường Nguyễn Ái Quốc, ngã tư Lạc Cường, ngã năm Biên Hùng, các điểm ở vùng ven xã Phước Tân.
Ông Vũ Đức Hạnh, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa nêu ý kiến tại cuộc đối thoại
Buổi đối thoại kéo dài hết buổi sáng với nhiều ý kiến bức xúc của người dân khi tình hình ngập càng lúc càng nặng hơn và tần suất lớn hơn sau mỗi mùa mưa.
Ông Vũ Đức Hạnh, ngụ khu phố 1, phường Trảng Dài phản ánh nhà ông hiện nâng nền cao hơn mặt đường 0,5 m nhưng mỗi khi trời mưa nước lênh láng ngoài đường đồng thời vẫn ngập vượt quá nền nhà. “Hễ mưa là nước từ ngoài đường giống như sông, khi xe chạy qua là sóng ào vào nhà làm hư hại hàng hóa, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống nhà tôi” - ông Hạnh nói.
Ông Lê Văn Mừng, ngụ xã Hóa An cho hay từ mấy năm nayy hơn 100 hộ dân gần nhà ông nằm trong điểm đen ngập lụt. Mỗi khi mưa về, có nhà phải thức trắng cả đêm để chống ngập, canh chừng đồ đạc và cũng để đảm bảo an toàn tính mạng.
Một hộ dân ở phường Long Bình than: “Có lúc tôi muốn bán nhà đi nơi khác vì ngập triền miên nhưng sợ không ai mua!”.
Tại phường Bửu Long, các cư dân địa bàn này kể trời mưa chỉ từ 10 - 15 phút, các tuyến đường, khu dân cư đã ngập sâu 0,7 - 0,8 m. “Nước ngập đến bụng, đe dọa tính mạng nhiều người, nhất là các em học sinh khi đi qua các điểm ngập sâu hoặc những vùng nước xoáy, chảy xiết”- người dân tại đây lo lắng.
Thực tế đã xảy ra những cái chết thương tâm, nạn nhân bị chết do sa vào các vùng nước ngập, xoáy, trong các mùa mưa trước.
Sau mỗi trận mưa gần đây, đường Biên Hòa đều biến thành sông
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (phường Long Bình Tân) Phạm Quang Vinh cho biết trường nằm trong điểm đen ngập úng, hơn 1.100 học sinh liên tục phải làm vệ sinh dọn dẹp trường lớp do nước tràn vào. “Mời bí thư đến thăm trường vào ngày mưa sẽ rõ”- thầy Vinh đề nghị.
Một người dân khác nói: “Nhà tôi ở vùng trũng, mỗi lần mưa là thành đại nạn, sau mưa nhà tôi cũng trở thành một bãi rác, không làm ăn gì được”. Một người đại diện cho những hộ dân ngập ở vùng ven Biên Hòa khẳng định, ông sống ở địa bàn hàng chục năm nay chưa thấy khi nào khổ sở vì ngập như bây giờ. “Đường sá, nhà cửa chắn hết lối thoát nước, các công ty đơn vị và cả người dân vô ý thức đổ rác, chất thải ngập ngụa dòng chảy. Đề nghị Nhà nước có biện pháp buộc các đơn vị trực tiếp sử dụng sông, suối đóng góp để chống ngập theo phương thức Nhà nước và dân cùng làm nếu cứ kêu không có vốn để chống ngập như hiện nay…”- người này đề xuất.
Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã ghi nhận và phân tích chi tiết nguyên nhân, thực trạng từng địa điểm, đánh giá cáo các giải pháp phối hợp cùng các giải pháp khác mà tỉnh đưa ra. Ông Cường đề nghị các sở ngành của tỉnh tiếp thu ý kiến của người dân để có phương án giải quyết. “Chúng tôi ghi nhận chia sẻ và đóng góp về kế sách của bà con, để cùng các ban ngành có giải pháp và bắt tay vào hành động ngay để giải quyết tình trạng ngập một cách cấp bách…”- ông Cường nói.
Bình luận (0)