Ngày 3-10 tại Hà Nội, Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức nghiệm thu đề án “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) và đề xuất biện pháp phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại”, do GS-TS Cao Đình Triều (chủ nhiệm đề án) cùng 7 nhà khoa học hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực địa chất, thủy điện, động lực học thực hiện.
Mạnh dần và cao hơn mức thiết kế
Theo GS-TS Cao Đình Triều, sau khi đập thủy điện Sông Tranh 2 tích nước (tháng 12-2010) và nhà máy đi vào hoạt động, đã bắt đầu xuất hiện động đất. “Nếu xét tổng thể qua 3 đợt động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thì xu thế rõ nét là cấp độ mạnh của động đất lớn nhất có xu hướng tăng dần” - ông Triều nhận định.
Kết luận của đề án cho rằng đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp II Trà My. Vì vậy, động đất xảy ra ở đây sẽ tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện. Dự báo, mức độ mạnh của động đất có thể xảy ra tại trung tâm lòng hồ là 5,9 độ Richter (độ sâu chấn tiêu không vượt quá 15 km), tại khu vực đập chính và vùng hạ lưu là 6,1 độ Richter (độ sâu chấn tiêu 15 km).
Về động đất kích thích, khi hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước trong hồ sẽ làm gia tăng trường ứng suất của đất đá trong khu vực hồ chứa. Hiện tượng thẩm thấu nước xuống độ sâu làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, giảm ma sát các mặt trượt, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh động đất kích thích. “Khả năng xảy ra động đất kích thích tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 có thể đạt cấp độ mạnh tối đa 5,5 - 6 độ Richter” - đề án nêu rõ.
Trước đó, theo đánh giá thông số động đất thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2 của Viện Vật lý địa cầu (được trích dẫn trong báo cáo nghiên cứu khả thi), khu vực nhà máy và lân cận thủy điện Sông Tranh 2 có cấu trúc địa chất phức tạp. Động đất thiết kế được lấy bằng động đất cực đại có khả năng ảnh hưởng tới công trình với cấp độ mạnh nhất là 5,5 độ Richter, độ sâu 10-15 km. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng từng khẳng định “đập Thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn, bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter”.
Như vậy, theo đánh giá của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, mức động đất kích thích đang lớn hơn mức thiết kế trong báo cáo khả thi, đây là nguy hiểm báo trước với thủy điện Sông Tranh 2.
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam canh cánh nỗi lo động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Thế giới cũng giật mình
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng thế giới cũng phải giật mình vì chỉ trong một tháng, đã xảy ra hàng chục trận động đất lớn nhỏ ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. “Chúng ta chưa có tiêu chuẩn cho động đất kích thích. Để nghiên cứu vấn đề này, cần huy động đông đảo nhà khoa học ở nhiều ngành, lĩnh vực. Trước mắt, nên mời các chuyên gia nước ngoài tham gia” - ông Hồng đề nghị.
Hiện chính quyền tỉnh Quảng Nam đã lên phương án di dời dân và phòng tránh lũ cho vùng hạ du để bảo đảm an toàn của người dân khi có sự cố xảy ra.
Bình luận (0)