Chiều 2-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và dự án Luật Tạm giữ, Tạm giam.
Lo lạm quyền
Vấn đề mở rộng, giao một số hoạt động điều tra cho lực lượng kiểm ngư, cơ quan thuế, chứng khoán được các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi.
Là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng số vụ việc trong 3 lĩnh vực này không phức tạp, không quá nhiều trong những năm vừa qua. Cơ cấu trong lực lượng cảnh sát ở các địa phương đã có đội chuyên điều tra về nội dung này nên cần cân nhắc kỹ.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) khẳng định đối chiếu Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo hướng thu gọn các cơ quan thì việc mở rộng này không phù hợp. ĐB Đỗ Văn Đương quan ngại việc giao thẩm quyền tố tụng cho những cơ quan này vừa lo “lạm quyền” hành chính, quyền tư pháp, dễ dẫn tới chuyện đe dọa đối tượng. Hơn nữa, theo ông Đương, bản thân các cơ quan này không có nghiệp vụ chuyên nghiệp nên kỹ năng quản lý hồ sơ rất kém, trong khi nhân chứng hiện trường đã thay đổi, khó lường nên khi chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra lại phải làm lại rất mất thời gian.
ĐB Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nêu kinh nghiệm: “Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có quyền trưng cầu chuyên gia hoặc cán bộ liên quan tới các lĩnh vực này. Ngoài ra, số vụ việc liên quan đến cán bộ cần theo dõi, điều tra, cơ quan thuế chuyển giao cho cơ quan điều tra rất ít vụ, chủ yếu do phát hiện đầu mối từ cơ quan điều tra hoặc do tố giác. Còn lĩnh vực chứng khoán đều do các vụ việc đổ bể, cơ quan chức năng vào cuộc”.
Cũng liên quan đến luật này, có nhiều ý kiến khác nhau về việc giao quyền điều tra cho lực lượng công an xã, phường. Theo ĐB Đỗ Kim Tuyến, 60%-65% đối tượng phạm tội quả tang đều bắt đầu ở cấp phường. Nếu thiếu điều tra ban đầu, chờ cấp huyện xuống thì rất khó khăn nên cần giao trách nhiệm điều tra ban đầu cho cấp xã, phường. ĐB Nguyễn Đức Chung nêu ví dụ ở Lào Cai, công an huyện cách 50-70 km, nếu không có công an xã thì không bảo vệ được hiện trường.
Ngược lại, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng công an xã, phường không được đào tạo về nghiệp vụ. Một số vụ án oan sai do đảo lộn hiện trường ban đầu, làm ảnh hưởng tới bản chất, nhất là với án truy xét. “không nên giao vì người ta không có nghiệp vụ cơ bản về điều tra, đặc biệt là bảo vệ hiện trường vụ án” - ĐB Quyền đề xuất.
Trại giam dành riêng cho tử tù
Các ĐB lần lượt phản ánh những khó khăn trong việc áp dụng quy định trong dự án Luật Tạm giữ, Tạm giam. ĐB Nguyễn Đình Quyền đề cập vấn đề quản lý trại tạm giam, tạm giữ thành hệ thống riêng, tách biệt với cơ quan điều tra.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị cơ quan quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo mô hình quản lý dọc từ trung ương xuống các trại, không qua công an các tỉnh. Cơ quan điều tra và cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam không liên quan với nhau để tránh tình trạng bức cung, nhục hình. Tuy nhiên, điều kiện quá tải tại các trại giam hiện nay khó có thể thực hiện được quy định trong luật.
Theo ĐB Nguyễn Đức Chung, Công an Hà Nội đang quản lý 3 trại tạm giam. Trong đó, trại số 1 được thiết kế chỉ tiếp nhận khoảng 2.300 phạm nhân nhưng hiện lúc nào cũng khoảng 4.500 người. Mặt khác, theo quy định, trong thời gian tạm giữ, sau 6 ngày thì người bị tạm giữ được gặp thân nhân 2 lần. Ở Hà Nội, các đối tượng ngụ ở các quận, huyện phạm tội tại địa bàn chỉ chiếm 25%, còn lại đa số ở địa bàn khác hoặc các tỉnh thì khó có thể bố trí gặp được. Đáng chú ý, tất cả nhà tạm giữ, trại tạm giam đều xây dựng bằng xi măng hoặc đá mài, sau đó trải chiếu cho nghi phạm nằm nhưng luật quy định họ được nằm ván ép sàn gỗ.
Một số ĐB đề nghị cần xây dựng nhà giam tập trung cho án tử hình. Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP HCM), cần có chế độ riêng để quản giáo đặc biệt đối với các phạm nhân bị kết án tử hình vì tâm lý của những đối tượng này rất phức tạp, người quản trại khó mà lường trước. Đồng tình, ĐB Phạm Văn Gòn (TP HCM) ủng hộ tập trung các phạm nhân tử hình vào một trại giam vì đây là các đối tượng có tâm sinh lý phức tạp như muốn tự sát, kêu gào, tuyệt thực... trước khi bị thi hành án.
Tử tù chờ chết... 14 năm
ĐB Nguyễn Đình Quyền cho biết đối với người bị kết án tử hình, họ sẽ bị tạm giam trong thời gian giam giữ chờ thi hành án. Nhưng có trường hợp tạm giam thôi cũng 14 năm, đến nỗi tử tù cứ đòi chết mà không được. ĐB Nguyễn Đức Chung cũng tổng kết: “Ở Hà Nội có 98 trường hợp bản án tử hình có hiệu lực nhưng chưa thi hành. Người lâu nhất là kết án năm 2006 song chưa tử hình được, đã tạm giam tới 9 năm”.
Bình luận (0)