Số lượng bệnh nhân trên một bàn khám gấp 3-4 lần quy định; bệnh viện kê khống bệnh nhân; không bảo đảm bác sĩ (BS) cho giường điều trị... là thực trạng đang xảy ra tại nhiều cơ sở y tế sau khi cơ quan bảo hiểm tiến hành kiểm tra đột xuất.
Xà xẻo đủ chỗ
Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Ban Chính sách BHYT thuộc BHXH Việt Nam, cho biết qua kiểm tra đột xuất, BHXH tỉnh Thanh Hóa vừa phát hiện 43/43 bệnh nhân điều trị nội trú của khoa đông y phục hồi chức năng và 43/43 bệnh nhân của khoa liên chuyên khoa thuộc một bệnh viện (BV) đã bị kê khống. Cụ thể, số bệnh nhân trên nằm trong danh sách điều trị nội trú ban đêm nhưng vào buổi tối, các khoa này đều đóng cửa, tắt đèn.
Ngoài ra, nhiều BV tự kê thêm giường với số lượng nhiều hơn rất nhiều so với giường kế hoạch được giao và cũng vượt nhiều so với định mức nhân lực theo quy định. Đơn cử một BV đa khoa huyện ở tỉnh Thanh Hóa có 21 BS, giường kế hoạch được giao là 80 nhưng số giường thực tế gấp gần 4 lần (300 giường); BV Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La (BV hạng II) có 20 BS, giường kế hoạch là 120 nhưng kê thực tế 332 giường; BV Đa khoa tỉnh Nghệ An có 198 BS, giường kế hoạch là 1.000 nhưng kê gần 1.700 giường....
Ngược lại, nhiều dịch vụ kỹ thuật sử dụng tại BV lại thấp hơn định mức kỹ thuật mà Bộ Y tế ban hành, có dấu hiệu lợi dụng để hưởng chênh lệch tiền thanh toán BHYT. Chẳng hạn tại BV Đa khoa Thái Bình, số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả dịch vụ kỹ thuật của toàn BV chỉ đạt 30% so với định mức; số tiền chênh lệch lên tới 1,2 tỉ đồng. Tại BV Y học cổ truyền Thái Bình, số kim châm cứu sử dụng chỉ bằng 5% định mức, số tiền chênh lệch 1,7 tỉ đồng… “Quy định một lần châm cứu là 1 bộ châm cứu 20 kim nhưng cơ sở chỉ dùng 3-5 kim, như vậy số lượng kim thừa ra rất lớn mà vẫn nằm trong “gói” thanh toán với BHYT” - ông Bằng bóc mẽ.
Giá thuốc như ma trận
Trong khi đó, kết quả khảo sát của BHXH Việt Nam đối với biệt dược gốc so với thuốc có số đăng ký nhóm 1 (thuốc đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất) do BHYT chi trả có nhiều loại thuốc giá chênh lệch tới hơn 7 lần. Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Ban Dược và Vật tư y tế thuộc BHXH Việt Nam, dẫn chứng thuốc Ceftriaxon 1g, tên thương mại là Rocephin, có giá trúng thầu hơn 180.000 đồng/lọ, trong khi thuốc cùng loại nhóm 1 có 10 số đăng ký thì giá trúng thầu trung bình chỉ hơn 25.000 đồng/lọ (chênh khoảng 7 lần). Tương tự, thuốc Meropenem 1g (tên thương mại Meronem) giá trúng thầu 700.000 đồng/lọ nhưng thuốc này ở nhóm 1, có 4 số đăng ký, chỉ 296.000 đồng/lọ; thuốc Paclitaxel 100mg (tên thương mại Anzatax) giá trúng thầu 4 triệu đồng/lọ, cùng loại nhóm 1, có 3 số đăng ký, chỉ 871.000 đồng/lọ; thuốc Oxaliplatin 100mg (tên thương mại Eloxatin) giá trúng thầu 3,9 triệu đồng/lọ, cùng loại ở nhóm 1, giá 871.000 đồng/lọ.
Theo bà Yến, năm 2016, tỉ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20%-23% tổng chi phí thuốc. Riêng tại các BV lớn, tỉ lệ này chiếm khá cao, như BV Chợ Rẫy (TP HCM) là 45%, BV Bạch Mai (Hà Nội) 50%. Cũng trong năm 2016, có gần 8.400 mặt hàng thuốc trúng thầu vào các cơ sở y tế với tổng giá trị tiền thuốc là 29.650 tỉ đồng. Trong số này có khoảng 600 mặt hàng biệt dược gốc (tương ứng 300 hoạt chất) với tổng giá trị trúng thầu khoảng 7.280 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% tổng giá trị tiền thuốc. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Y tế hiện có 698 biệt dược gốc, trong đó có 447 thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền.
Giới chuyên môn cho rằng với giá thuốc như “ma trận” hiện nay, khó tránh khỏi tình trạng trục lợi. Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, góp ý: “Nếu Bộ Y tế có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá đối với các biệt dược gốc có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm tỉ đồng cho quỹ BHYT, trong khi sẽ tăng cơ hội sử dụng thuốc tốt với giá hợp lý cho người dân”.
Theo ông Sơn, để ngăn chặn trục lợi Quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.
Không có thời gian… nhìn bệnh nhân
Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bàn khám tối đa khám 50 bệnh nhân/ngày (8 giờ), nếu có đột biến thì cũng chỉ tăng 30% (65 bệnh nhân/bàn khám/ngày). Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai, nhiều BV không thực hiện đúng quy định, bố trí bệnh nhân vượt gấp nhiều lần chỉ tiêu. Điển hình như BV Đa khoa TP Vinh (tỉnh Nghệ An) có tới 180 bệnh nhân/bàn khám/ngày.
Một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết đã từng chứng kiến cảnh BS ở một BV trung ương do quá đông bệnh nhân chờ khám nên chỉ kịp hỏi họ tên, giới tính, sau đó ghi giấy cho đi làm các xét nghiệm, chụp chiếu... mà không có cả thời gian ngẩng mặt nhìn bệnh nhân. “Thời gian khám 1-2 phút chỉ đủ hỏi tên bệnh nhân và đọc kết quả xét nghiệm. Khám như vậy chất lượng đến đâu. Người bệnh thì vẫn cứ bệnh hoài, còn BHYT thì vẫn phải chi cho kiểu khám bệnh như thế là không ổn” - đại diện BHXH Việt Nam nói.
Bình luận (0)