Đại tá Bùi Xuân Ngọc - Trưởng Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk - cho biết cơ quan này đang mở rộng điều tra đường dây đưa gần 100 trẻ em đi lao động tại các cơ sở may tại TP HCM. Cơ quan này đang động viên gia đình đưa các em trở về nhà.
Bà H’Let Liêng lo lắng vì con trai phải làm việc từ sáng đến khuya ở TP HCM
Bà H’Let Liêng (ngụ buôn H’Ngô A, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) cho biết gia đình bà thuộc diện hộ nghèo lại đông con. Thấy mẹ vất vả, con trai đầu của bà là Y Kim Liêng (SN 2002) phải bỏ học khi vừa xong lớp 7 để phụ giúp. Ngày 25-2, một phụ nữ đến nhà nói đưa Y Kim Liêng đi học nghề ở TP HCM và được trả 15 triệu đồng/năm. Nghĩ rằng con bỏ học sớm, nếu đi học nghề thì sau này còn có công việc kiếm sống nên bà H’Let Liêng đồng ý.
"Đến TP HCM được một thời gian, Y Kim Liêng gọi điện về nói đang làm việc cho một cơ sở may mặc. Mỗi ngày, cháu phải làm việc từ 7 giờ đến 23 giờ, được nghỉ 3 lần, mỗi lần từ 30 phút đến 1 giờ để ăn uống. Nhiều hôm, cháu nói muốn về nhưng không được vì làm việc chưa đủ năm thì không được trả lương và phải bồi thường tiền xe đi lại, ăn ở" - bà H’Let Liêng kể.
Một trường hợp khác cũng bị đưa đi lao động là em Y Khối Êban (12 tuổi). Cha mẹ mất từ 2 năm trước, Y Khối Êban và em gái 8 tuổi phải về ở với người chị họ. Để lo cho em gái, mới đây, Y Khối Êban được một phụ nữ đưa đến TP HCM làm việc xếp quần áo trong một cơ sở may mặc với mức lương 15 triệu đồng/năm.
"Ngày nào em cũng phải làm việc từ 7 giờ đến nửa đêm nhưng không thấy tiền lương đâu. Được hơn một tháng, em xin nghỉ việc về quê nhưng chủ cơ sở không trả tiền công, cũng không cho tiền mua vé xe. Em phải ra tận bến xe xin đi nhờ về" - Y Khối Êban nhớ lại.
Nhiều trẻ em tại buôn Noh Prông, xã Hòa Phong cũng được người lạ đến thỏa thuận đưa đi "học nghề" may như vậy. Trong đó, nhiều em chỉ mới 12-15 tuổi, như Thào Thị Ngần (SN 2005), Vữ Thị Dế (SN 2003), em Lê Văn Hổ (SN 2004)…
Theo ông Nguyễn Nguyên Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, tháng 2-2017, UBND xã nhận được báo cáo từ Ban Tự quản buôn H’Ngô A và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Sơn Phong (xã Hòa Phong) về tình hình trẻ em trên địa bàn đi lao động ở TP HCM. UBND xã Hòa Phong đã chỉ đạo Công an xã kiểm tra tất cả các thôn, buôn về tình trạng này. Qua đó, công an đã xác định 2 người là bà Nguyễn Thị Khang và ông Nguyễn Văn Hải có đến Hòa Phong vận động một số gia đình đưa trẻ em từ 11-17 tuổi đi lao động thông qua giấy thỏa thuận đưa đi học nghề. Đến nay, bà Khang đã đưa 14 trẻ tại buôn H’Ngô A và ông Hải đưa 8 trẻ tại buôn Noh Prông đến TP HCM làm việc.
Ông Đồng cho biết các giấy thỏa thuận đưa trẻ em đi học nghề không có chữ ký của bên A (bên đưa các em đi) hoặc bên A ký tên nhưng không phải là người đưa trẻ đi mà chính các em điểm chỉ. Còn bên B là bố mẹ các em. Giấy thỏa thuận này không ghi rõ thời gian và nơi làm việc của các em sau khi được đưa đi TP HCM. "Đa số những em được đưa đi lao động đều là con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn. Do không hiểu về chuyện này nên nhiều phụ huynh bị 2 người nêu trên qua mặt" - ông Đồng nhận định.
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Công an xã Hòa Phong, công an huyện đã cử lực lượng xuống TP HCM xác minh nhưng địa chỉ của ông Hải và bà Khang ghi trong giấy thỏa thuận không có thực.
Không để trẻ sập bẫy
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Lắk đã có công văn chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Bông xác minh việc một số đối tượng đưa trẻ em đi lao động. Phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Bông đã gửi công văn đến UBND các xã, thị trấn vận động người dân kịp thời phát hiện, ngăn chặn những đối tượng dụ dỗ, lôi kéo trẻ em bỏ học đi lao động sớm của các đối tượng môi giới, tuyển lao động trái pháp luật.
Bình luận (0)