xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạnh tay xử tội phạm xâm hại trẻ em

Văn Duẩn

Liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đang gây nên làn sóng phẫn nộ trong dân chúng và một trong các biện pháp mạnh được đưa ra là “thiến” bằng hóa chất đối với loại tội phạm này.

Ngày 17-3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Hồng Lan có buổi họp với đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội hoạt động về trẻ em.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Bà Đào Hồng Lan cho biết thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được đặc biệt quan tâm từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, gia đình và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Theo bà Lan, tại một số địa phương, nạn xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đang rất đáng lo ngại. Trước tình trạng trên, ngay từ đầu năm, Bộ LĐ-TB-XH đã chọn chủ đề của năm 2017 và Tháng Hành động vì trẻ em là “Phòng chống xâm hại trẻ em” và đã có hướng dẫn địa phương tập trung chỉ đạo triển khai công tác này.

Số liệu thống kê từ ngành công an và LĐ-TB-XH cho biết tại nước ta, mỗi năm có hơn 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, các vụ xâm hại được phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng vì đây chỉ là những vụ mà cơ quan quản lý nhà nước thụ lý và xử lý.

Về một số vụ việc xâm hại trẻ em vừa xảy ra, bà Lan cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã có chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống ngành dọc cùng tham gia xử lý vụ việc. Cụ thể, Cục Trẻ em đã gửi công văn đến cơ quan điều tra đề nghị bảo vệ tốt nhất quyền cho trẻ em; cán bộ ngành LĐ-TB-XH đã đến nhà, trường học của các em để tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ cùng gia đình.

Dẫn ví dụ trường hợp vụ án dâm ô trẻ em tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Lan cho biết sau khi nhận được đơn của gia đình cháu bé, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, ngay từ ngày 18-8-2016, Cục Trẻ em đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Ban Nội chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an TP Vũng Tàu xem xét, giải quyết; đồng thời gửi Sở LĐ-TB-XH tỉnh này để có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn cho cháu bé và gia đình. Tiếp theo đó, ngày 1-3-2017, cục này có công văn tiếp theo đề nghị Sở LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo tình hình, giải quyết vụ việc.

“Tuy nhiên, để chăm sóc trẻ em, cần sự chung tay của cộng đồng. Xâm hại tình dục trẻ em luôn là vấn đề nóng, kể cả ở các nước phát triển. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa phải luôn đề cao và cần tập trung cung cấp kiến thức cho cộng đồng và trẻ em” - bà Lan nói.

Chia sẻ tại buổi họp, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng đối với những vụ việc xâm hại trẻ em vừa xảy ra, mọi người thường mải mê truy tìm thủ phạm, phán xét trừng trị thủ phạm mà quên mất phải lấy trẻ em - nạn nhân của vụ việc - làm trung tâm.

“Cần có tổ nghiệp vụ kết nối đường dây nóng hỗ trợ (số 18001567) với nạn nhân trong khoảng thời gian 4 giờ sau khi vụ việc được phát hiện. Bởi đây là thời gian gia đình nạn nhân rơi vào khủng hoảng, rất cần chia sẻ cũng như hỗ trợ cần thiết. Nếu bỏ qua giai đoạn này, gia đình nạn nhân sẽ rơi vào hụt hẫng và mất niềm tin” - vị đại diện của trung tâm này đề nghị.


Tòa án xử một vụ dâm ô với trẻ em 6 tuổi ở tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: CAO NGUYÊN

Tòa án xử một vụ dâm ô với trẻ em 6 tuổi ở tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: CAO NGUYÊN

Luật đã có, cần xử nghiêm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết dù Bộ Luật Hình sự quy định tội “Hiếp dâm trẻ em” bị xử lý rất nặng, có khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình (theo quy định tại khoản 3 và 4 điều 112 Bộ Luật Hình sự năm 1999 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, số vụ xâm hại tình dục ngày càng nhiều, bất chấp các hình phạt nghiêm khắc trên và luân thường đạo lý, gây bức xúc công luận. Riêng tôi, là mẹ của 3 đứa con gái nên cũng có tâm trạng chung, cũng muốn đem những kẻ “yêu râu xanh” ra “thiến hóa học” như nhiều người đề xuất.

Dù vậy, chúng ta không thể sửa luật để áp dụng hình phạt này vì sẽ xâm phạm đến “quyền con người”, được quy định cụ thể tại điều 20 Chương II Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Hơn nữa, luật sư Liên cho biết Việt Nam đã thừa nhận và tham gia ký kết các công ước quốc tế về quyền con người của Liên Hiệp Quốc, cụ thể: Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, tại điều 5 quy định: “Không ai bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm”. Hay Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, tại điều 7 cũng quy định: “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm...”.

GS-TS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, cho rằng đề xuất “thiến hóa học” cũng là một hình phạt. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phát triển, đề xuất trên không phù hợp, nó không thể hiện được tính văn minh, nhân đạo của pháp luật.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội), cho rằng hiện nay các hình phạt của Việt Nam đối với tội phạm liên quan đến các hành vi ấu dâm đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật Hình sự. Đó là tội hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô trẻ em và tội cưỡng dâm trẻ em. Đối với những loại tội phạm này, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các hành vi và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ em, các mức hình phạt đối với những hành vi này đã khá nặng (khung hình phạt cao nhất có thể là tử hình). Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng thực thi pháp luật như thế nào mà thôi.

Luật sư Nguyễn Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP HCM:

Thiến không phải là giải pháp

Bộ Luật Hình sự đưa ra các hình phạt mang mục đích chính là răn đe, giáo dục chứ không phải trừng trị. Chỉ có một số tội ác đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội mới bị “cách ly khỏi xã hội” để ngăn chặn hậu họa và việc này cũng là nhằm bảo vệ “quyền con người”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Bộ Luật Hình sự đã quy định hình phạt răn đe rất nghiêm khắc, cao nhất có thể bị tử hình, vậy mà loại tội phạm này vẫn cứ xảy ra ngày một nhiều? Theo tôi, chúng ta đã không làm tốt việc tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho người dân cũng như việc thực thi pháp luật chưa nghiêm.

Muốn người dân tuân thủ pháp luật, phải tuyên truyền, giáo dục cho họ hiểu để không thực hiện hoặc sợ mà không dám thực hiện hành vi phạm tội. Đặc biệt, sự lên án của công luận còn có tác dụng mạnh mẽ hơn rất nhiều các loại hình phạt, bởi tâm lý con người ta không sợ chết nhưng lại rất sợ mất danh dự. Còn nếu chỉ đưa ra các hình phạt hà khắc để trừng trị mà không tuyên truyền, giáo dục thì tôi e rằng cũng không thể ngăn ngừa những vụ việc tương tự xảy ra. Bởi vì hình phạt “tử hình” mà họ còn không sợ thì hình phạt “thiến” cũng chẳng có tác dụng.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Quan trọng là giáo dục

Đề xuất “thiến hóa học” không phù hợp với điều kiện của nước ta. Để xử lý và ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cách, như biện pháp hành chính, hình sự, vấn đề quan trọng là khi phát hiện đối tượng vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc.

Để ngăn chặn không phải chỉ nằm ở sự trừng trị mà quan trọng là ở việc giáo dục ý thức của con người, để họ không có những hành động suy đồi.

Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể

Theo tôi, đề xuất “thiến hóa học” để nhằm giảm bớt sự ham muốn của các đối tượng tội phạm này. Tuy nhiên, hậu quả của vấn đề vô cùng lớn, có thể người đó sẽ không còn sinh sản, duy trì nòi giống được nữa. Pháp luật hiện hành quy định trừ trường hợp người phạm tội phải chịu mức hình phạt tử hình, còn người phạm tội bị hình phạt tù có thời hạn hoặc tù không thời hạn (chung thân) thì họ vẫn còn quyền bất khả xâm phạm về thân thể.

D.Văn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo