Theo Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tiếp thu một phần ý kiến của Bộ Xây dựng nhưng ở phiên bản dự thảo Luật Quy hoạch gần nhất, còn một số nội dung quan trọng chưa được thống nhất.
Quy hoạch xây dựng có tính liên thông
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà lập luận rằng quy hoạch xây dựng (QHXD) có tầm quan trọng đặc biệt luôn hiện hữu, tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên, liên tục tới không gian sống của từng người dân và toàn xã hội. QHXD có tính liên thông, thống nhất giữa các cấp độ khác nhau.
Hệ thống pháp luật về QHXD đã ngày càng được hoàn thiện. Hiện nay, quy định pháp luật về QHXD đã được thể hiện khá đồng bộ, thống nhất trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị. Tính đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 15 QHXD vùng liên tỉnh; 100% các tỉnh, thành phố đã lập và phê duyệt QHXD vùng tỉnh. Đã có 802/802 thành phố, thị xã, thị trấn và 6 đô thị mới có quy hoạch chung được phê duyệt, trong đó 23 quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ...
Do đó, theo ông Phạm Hồng Hà, việc tổ chức lập, hình thành một bản quy hoạch tổng thể trong thời điểm hiện nay là chưa khả thi vì không dễ dàng thực hiện đồng loạt, tất cả các nội dung lĩnh vực trong cùng một thời gian, đặc biệt là đối với QHXD.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng thẳng thắn cho rằng: “Dự thảo Luật Quy hoạch chưa tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không bao quát hết các vấn đề cần điều chỉnh đối với lĩnh vực QHXD, khi thực hiện có thể dẫn tới sự xáo trộn không cần thiết và không bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật hiện hành”.
Ông Phạm Hồng Hà cũng đánh giá nếu thực hiện như quy định tại dự thảo Luật Quy hoạch, trên thực tế sẽ bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số lượng rất lớn các QHXD đã và đang được thực hiện; có thể dẫn đến sự lúng túng, mất rất nhiều công sức, nguồn lực, thời gian và có thể tác động tiêu cực, gây nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cần cẩn trọng
Về dự thảo Luật Quy hoạch, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch chưa thấy rõ vai trò của QHXD trong khi đây là một trong những nền tảng phải làm rõ vai trò của QHXD.
Ông Hưng phân tích Luật Quy hoạch ảnh hưởng đến 32 luật, rất nhiều chuyên gia cũng nói rằng không chỉ dừng lại ở 32 luật mà còn lên đến trên 50 luật. Một bộ luật phủ lên rất nhiều bộ luật khác khiến 50 luật khác cần phải thay đổi. Dù thay đổi rất nhỏ câu chữ hoặc thay đổi những điều, khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống pháp luật đi theo như nghị định, thông tư… thì phải cực kỳ cẩn trọng.
Cùng quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân bình luận: “Bản chất Luật Quy hoạch nói là không chuẩn. Dự thảo luật đề cập về sắp xếp không gian kinh tế - xã hội. Không thể và không nên dùng bàn tay nhà nước sắp xếp. Sắp xếp, bố trí chỉ dùng trong quy hoạch vật thể”.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, bà Đỗ Tú Lan, thì cho rằng không thể đưa một khái niệm có tính áp đặt mà cộng đồng có thể hiểu khác nhau, dễ gây ra hậu quả khi áp dụng. Về hệ thống quy hoạch, dự thảo luật đề xuất 4 nhóm loại: Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Từ cách làm này, dự thảo Luật Quy hoạch mới chỉ giải quyết được những vấn đề vĩ mô theo kiểu quy hoạch kinh tế - xã hội trước đây, mà không hiểu các vấn đề có tính kỹ thuật và khoa học đối với việc quy hoạch những không gian có điều kiện địa hình và những liên kết các công trình vật chất cụ thể.
Cũng theo bà Lan, thực tế xã hội cần một khung thể chế đối với quy hoạch nhằm định hướng cho các quy hoạch ngành và quy hoạch các cấp có một khung thống nhất trình tự và liên kết, chứ không phải sản phẩm của Luật Quy hoạch là một loại quy hoạch thay thế toàn bộ các quy hoạch liên quan đến 12 luật hiện hành.
“Việc đưa ra một luật chưa có chứng minh đầy đủ khoa học và thực tiễn, có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường. Do đó cần có đề án thí điểm trước khi ban hành luật” - bà Lan kiến nghị.
Nhiều lần bất đồng
Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), dự thảo Luật Quy hoạch là bộ luật có nhiều ý kiến trái chiều nhất từ các thành viên Chính phủ. Thậm chí số phận “long đong” của dự luật này đã phải rút ra khỏi chương trình xây dựng luật pháp lệnh của QH từ khóa XIII.
Đến QH khóa XIV này, dự luật vẫn chưa tìm được tiếng nói chung từ chính các bộ ngành liên quan, thậm chí ngay tại các phiên họp của QH vẫn tiếp tục những phiên thảo luận “căng như dây đàn” từ phía Bộ KH-ĐT với một số bộ ngành khác. Sau phiên họp thứ 7 của UBTVQH vào tháng 2 vừa qua, khi các thứ trưởng của hàng loạt bộ, ngành đứng dậy “nói ngược” với dự thảo của Bộ KH-ĐT, UBTVQH đã phải chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra luật - Ủy ban Kinh tế - tổ chức làm việc riêng với 8 bộ.
Mới đây nhất, tại phiên họp thứ 8 của UBTVQH vào chiều 17-3, phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch lại tiếp tục có “sóng gió”. Tranh luận nổ ra khi Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải thích về quy định QHXD. Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà băn khoăn: “Luật này không còn khái niệm về QHXD nhưng trong các điều khoản quy định về quy hoạch vùng lại nói về QHXD vùng, lập QHXD vùng. Khái niệm không có nhưng nội hàm lại đề cập nên các quy định có mâu thuẫn, chưa rõ ràng”.
Trước phát biểu của Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đáp lại đầy bức xúc: “Tờ trình Chính phủ có rồi sao ông cứ nói ngược?”.
Lãnh đạo QH đã yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự luật tiếp thu những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách vào tháng 4 sắp tới.
Bình luận (0)