Năm 2016, viện phí sẽ tiếp tục tăng để trả lương cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện (BV) kêu khó vì chưa đủ tiềm lực để thu hút bệnh nhân.
Quá sớm để thực hiện
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết khi tự chủ tài chính sẽ tạo áp lực rất lớn nhưng cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ. BV Bạch Mai đang có những đề xuất xây dựng cơ cấu đưa lương vào viện phí. Tuy nhiên, cụ thể thế nào phải chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn. Vì ngoài lương cơ bản theo ngạch bậc quy định còn có phụ cấp phẫu thuật, trực, ưu đãi nghề; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...
Còn theo bác sĩ Phương Đức Cù, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Cao Bằng, đưa lương vào viện phí là chủ trương đúng nhưng có lẽ 1-2 năm nữa BV mới có thể thực hiện. Do điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật của BV còn hạn chế nên chưa thu hút được bệnh nhân. “Tự chủ tài chính nếu không có bệnh nhân thì BV chết đói. Chúng tôi đang đầu tư các phòng mổ hiện đại, tăng cường chuyển giao các kỹ thuật cao để có thể thực hiện các ca mổ phức tạp ngay tại BV tỉnh” - bác sĩ Cù chia sẻ
Nhận định tự chủ tài chính là cần thiết nhưng lãnh đạo một BV ở Nam Định cho rằng nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất cho các BV công bởi với nhiều BV cơ sở, đây là điểm yếu lớn nhất. Bởi nếu BV vừa tự chủ về tài chính vừa trả lương nhân viên lại phải đầu tư cơ sở vật chất thì e rằng không đủ sức.
Cần thước đo “tính đúng”
Theo quy định, đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp vào viện phí. Tuy nhiên, việc tính thêm tiền lương vào viện phí rất phức tạp nên liên bộ đang từng bước xem xét nhằm có giải pháp phù hợp nhất. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết khi tính tiền lương vào giá tức là người bệnh sẽ trả lương cho cán bộ y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc BV phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có bệnh nhân đến khám. Nếu không thu hút được người bệnh, không được bảo hiểm xã hội ký hợp đồng khám chữa bệnh, cơ sở đó có nguy cơ đóng cửa.
Chia sẻ quan điểm về việc viện phí sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường, TS-BS Trần Tuấn, Trưởng Ban Thường trực hành động của Liên minh Vận động chính sách y tế, cho rằng khác với tất cả các loại hình dịch vụ khác, người sử dụng dịch vụ y tế chưa hẳn là “thượng đế” đúng nghĩa. Họ đặt vào tay bác sĩ sinh mạng của mình và tự nguyện tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Vì thế, trong lĩnh vực chăm sóc y tế, chi phí thực tế mà người bệnh phải trả hoàn toàn do bên cung cấp dịch vụ y tế dẫn dắt. “Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa vào 3 trong 7 thành phần tạo viện phí và tiếp tục điều chỉnh tăng dần cho đến khi đủ cả 7 thành phần vào năm 2020. Căn cứ vào kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, có thể nói tiêu chí “tính đủ” đã đạt được nhưng với tiêu chí tính “đúng” thì cần xem lại” - ông Tuấn lưu ý.
TS Tuấn phân tích việc tính đúng hiện tại rất khó khăn vì thị trường giá dịch vụ y tế chưa sòng phẳng. Đơn cử cùng 1 loại thuốc nhưng giá trong BV và ngoài BV đã chênh nhau vài phần trăm. Ngoài ra, còn rất nhiều dịch vụ y tế chưa xây dựng xong bộ tiêu chí đo lường chất lượng. “Chưa có cơ quan nào đứng ra chuyên nghiên cứu về giá dịch vụ y tế. Việc thẩm định giá cũng cần phải có sự tham gia của người bệnh với các chi phí cụ thể trên thực tế. Nếu Bộ Y tế tự xây dựng, tự thu tiền thì sẽ chỉ là áp đặt một chiều” - TS Tuấn nói.
Dân chê BHYT vì viện phí thấp
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết theo Nghị quyết của Chính phủ, trong năm 2016 phải đưa lương vào viện phí, tiến tới tính đúng, tính đủ viện phí trong năm 2020. Khi đó, các bệnh viện sẽ có nguồn thu, tự chủ về tài chính để đầu tư cho nhân lực hoặc trang thiết bị, nâng cao năng lực, thu hút bệnh nhân. Theo bà Tiến, nếu không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, viện phí còn thấp như hiện nay thì người dân còn đi khám dịch vụ mà chưa tham gia BHYT. Chỉ khi nào giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ thì người dân mới tích cực tham gia BHYT.
Bình luận (0)