PGS ĐẶNG VĂN BÀI, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM:
Dân phải sống được với di sản
Hướng giải quyết đối với làng cổ Đường Lâm cũng như nhiều làng di sản khác, như Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), không phải chỉ là giữ nguyên trạng mà phải làm sao để người dân sống được với di sản, để di sản không bị mai một và người dân không bị thiệt. Chúng ta có thể lấy kinh nghiệm từ Hội An với mô hình phát triển trước hết vì sự phát triển của cộng đồng, sau đó mới đến bảo tồn di sản văn hóa.
Ở Hội An, cả cộng đồng cùng đón khách. Họ còn được miễn, giảm thuế nếu kinh doanh đúng loại hình văn hóa. Thêm vào đó, nếu gia đình quá đông người thì cho đất ở ngoài để giãn nhân khẩu. Tiếp theo, nếu nhà ai có giá trị điển hình thì sẽ được hỗ trợ 50% tiền tu bổ, loại 2 thì chỉ được 30%; gia đình thuộc hộ nghèo, nhà trong ngõ thì hỗ trợ nhiều hơn, gia đình nào ở mặt phố hỗ trợ ít hơn.
Quay trở lại Đường Lâm, cái cần gìn giữ ở đây là gì? Là cảnh quan thiên nhiên làng cổ, là cấu trúc không gian của làng cũng như tập quán sinh hoạt của người dân ở đó chứ không phải bảo tồn kiến trúc ngôi nhà. Chính lối sống và nếp sống của người dân địa phương trở thành đối tượng hấp dẫn du khách. Trong khi xã hội hiện đại hóa, dấu ấn nông nghiệp xưa ở Đường Lâm mới là cái hiếm.
Đường Lâm không thuần nông nghiệp mà có các nghề. Chính làng nghề ấy là sản phẩm du lịch, là nơi sản xuất. Chúng ta cũng có thể nhờ các chuyên gia Nhật Bản giúp nghiên cứu về ẩm thực, đưa món ăn của dân Đường Lâm trở thành món ăn đặc sắc bán được cho du khách.
Tất nhiên, mỗi di tích, mỗi địa phương có đặc thù riêng chứ không thể áp dụng giống nhau. Chính quyền, ngành văn hóa không chỉ yêu cầu dân làm mà phải hướng dẫn cho dân cách làm, như thế mới có thể phát triển bền vững.
Người dân làng cổ Đường Lâm bức xúc vì ban quản lý di tích
không công khai thu chi tiền bán vé tham quan. Ảnh: VĂN DUẨN
BÀ ĐẶNG THỊ BÍCH LIÊN, THỨ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH:
Cần cơ chế đặc thù cho làng cổ
Làng cổ Đường Lâm là tài sản quốc gia, mọi người đều có quyền lợi, nghĩa vụ phải bảo vệ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể Đường Lâm, sau đó là quy hoạch chi tiết với 2 dự án quan trọng. Một là dự án về bảo tồn khẩn cấp, đặc biệt các ngôi nhà đã được phân loại. Hai là dự án giãn dân. Dự án này phải gắn với tiêu chí nông thôn mới và các thiết chế phục vụ đời sống nhân sinh phải đồng bộ, được đầu tư trước.
Chúng tôi đề nghị TP Hà Nội có cơ chế chính sách đặc thù với Đường Lâm. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đường Lâm nên có quy hoạch tổng thể liên kết với các di tích trong khu vực để nâng cao đời sống nhân dân. Về mô hình quản lý di tích, bộ đang đặt hàng các nhà khoa học xây dựng về mô hình này, dự kiến sẽ hoàn thiện trong một vài tháng tới.
Hà Nội còn 2.500 di tích cần tu bổ
Nhằm bảo vệ làng cổ Đường Lâm, từ nay cho đến năm 2015, UBND thị xã Sơn Tây đề xuất TP Hà Nội đầu tư 503 tỉ đồng để tu bổ, hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng phục vụ dân sinh. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện Hà Nội có hơn 5.000 di tích, trong đó 2.500 di tích được xếp hạng, cần quan tâm đặc biệt. Do vậy, mặc dù Đường Lâm được ưu tiên nhưng chính quyền cấp cơ sở cần có biện pháp tính toán hợp lý.
L.Anh |
Bình luận (0)