Buổi đối thoại giữa người dân làng cổ Đường Lâm với đại diện UBND thị xã Sơn Tây
Theo lý giải của người dân, họ bị hạn chế trong xây dựng nhà ở, mâu thuẫn hưởng lợi từ khai thác du lịch. Bấy lâu nay những bức xúc của họ chưa kịp thời được giải quyết trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cấp bách, nhiều gia đình chỉ có diện tích 60 - 70 m2, 3- 4 thế hệ phải sống chung một mái nhà chật chội, trong khi muốn xây nhà cao tầng lại vướng phải quy định của Luật Di sản nên đã bị cưỡng chế và cấm đoán.
“Sống trong làng cổ khổ quá. Bắt chúng tôi phải theo di sản nhưng không hỗ trợ chúng tôi gì cả. Nhà quá chật, con đàn cháu đống, sống làm sao nổi” - chị Phan Thị Xuân, ở xóm Đình, thôn Mông Phụ, bức xúc.
Ông Hà Kế Toán bộc bạch rằng gia đình ông hơn 20 đời nay đều sinh ra ở Đường Lâm. “Được công nhận làng cổ danh hiệu cấp quốc gia là một niềm tự hào nhưng niềm vui chưa lâu thì dân phẫn nộ. Đây là nỗi buồn không gì bù đắp nổi” - ông Toán chia sẻ.
Theo ông Toán, ban quản lý di tích tổ chức bán vé, kinh doanh trên di tích của nhân dân nhưng nhân dân không được hưởng lợi gì.
Tương tự, ông Phan Văn Đông đề nghị: “Phải làm sao để giữ được danh hiệu mà người dân đỡ khổ. Chúng tôi cũng cần có những nhu cầu thiết yếu. Đất đai ngày một chật, người ngày càng đông, nhu cầu chỗ ở là cấp thiết. Nên cho chúng tôi làm nhà 2 tầng, cái gì cổ thì để cổ, cái gì không cổ thì cho làm mới”.
Tại buổi đối thoại, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Hà Nội, cho rằng không phải ở đâu cũng có danh hiệu này. Khi đã là di tích phải tuân thủ theo luật. Trong quá trình thực hiện luật, trước hết chủ thể phải là nhân dân, tiền nhân sáng lập thì thế hệ con cháu phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ, phát huy giá trị.
Giải đáp những bức xúc của người dân Đường Lâm, ông Tiến nói: “Chúng tôi cũng biết bà con rất khổ nhưng nhiều cái không trả lời ngay được. Chúng tôi xin cảm ơn và tiếp thu ý kiến, trên cơ sở đó tham mưu cho TP, bộ để từng bước một tháo gỡ khó khăn. Nếu bà con xây nhà cao tầng, chính quyền cũng sẽ bị xử lý. Chúng ta hãy vì tương lai của chính con cháu Đường Lâm để giữ vốn quý báu cho muôn đời sau”.
Ông Nguyễn Lam Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, cho rằng trong quá trình bảo tồn có những bất cập, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Những bức xúc của dân về các vấn đề nhu cầu xây dựng sửa chữa nhà, cấp đất dãn dân, lợi ích từ khai thác du lịch là có thật.
Chưa ấn định thời gian tu bổ chùa Một Cột Cuộc họp bàn về phương án tu bổ chùa Một Cột - Diên Hựu do UBND quận Ba Đình - Hà Nội tổ chức sáng 15-5. Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, tiến độ tu bổ tôn tạo ngôi chùa có một không hai của Việt Nam quá chậm trong khi ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm. Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì nhà chùa, nói: Dù có hệ thống thoát nước nhưng trời mưa to khoảng 1 giờ là khu vực chùa bị ngập khiến cá, đặc biệt là cá rô phi từ nơi khác tràn sang hồ Linh Chiểu ăn hết sen trong hồ, trong khi sen là biểu tượng, là linh hồn của chùa Một Cột. Lãnh đạo quận Ba Đình cho biết dự kiến sẽ dành 31 tỉ đồng để tu bổ tổng thể khu di tích theo phương pháp bảo tồn nguyên trạng, chỉ thay những phần hư hỏng. Cụ thể, với chùa Một Cột và hồ Linh Chiểu, dự án sẽ hạ giải từng phần mái, đánh giá và tu bổ nguyên trạng các cấu kiện gỗ; đắp trát, tu bổ bờ nóc, bờ chảy; lợp lại ngói; tu bổ hoa văn, con giống, bậc thang lên chùa, nạo vét hồ, trát vá bề mặt móng, lan can hồ… Chùa Diên Hựu sẽ được tu bổ các thành phần, hạng mục công trình hiện còn như Tam quan, Tam bảo, nhà Mẫu, phục dựng nhà Tổ, xây mới nhà Tăng… Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, nhấn mạnh việc tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu sẽ được thực hiện trên cơ sở tôn trọng di tích lịch sử hiện có. Ông Bình cho biết trước ngày 30-6, quận sẽ nghiên cứu hoàn chỉnh hồ sơ, trình Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nếu 2 đơn vị này đồng ý mới làm.
Yến Anh |
Bình luận (0)