Ngày 14-2, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết UBND TP vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính liên quan đến thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn trên địa bàn.
Chấn chỉnh thái độ vô cảm
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, nội dung kiểm tra gồm công tác chỉ đạo, phổ biến, quán triệt và triển khai các nội dung quy định thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn; tiếp nhận, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Cụ thể, trong quý I/2017 sẽ kiểm tra tại các sở Du lịch, Công Thương, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và các đơn vị trực thuộc có giải quyết thủ tục hành chính; kiểm tra 5 UBND quận gồm: 2, 4, 5, 10, Bình Tân, đơn vị trực thuộc có giải quyết thủ tục hành chính và UBND thuộc quận. “Xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi trễ hẹn giải quyết hồ sơ hành chính không chỉ là hành vi văn hóa mà nếu làm tốt thì người lãnh đạo có thể kiểm soát được thủ tục hành chính đã giải quyết, chấn chỉnh thái độ vô cảm của cán bộ. Xây dựng chính quyền điện tử là yêu cầu, xu hướng tất yếu để xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển và phục vụ” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong năm 2016, có 34/48 đơn vị gửi báo cáo thực hiện quy định thư xin lỗi. Trong đó, 15 đơn vị không phát sinh hồ sơ trễ hẹn, 19 đơn vị có hồ sơ trễ hẹn (15 đơn vị thực hiện tỉ lệ xin lỗi 100%, 4 đơn vị chưa thực hiện xin lỗi). “Trong năm 2017, mỗi đơn vị phải giảm 50% hồ sơ trễ hẹn so với năm 2016 và không để người dân nói “sao mà xin lỗi hoài vậy!”. Khi kiểm tra mà phát hiện cán bộ vi phạm thì xử lý nghiêm, nhất là nguyên nhân do nhũng nhiễu và vòi vĩnh” - ông Tuyến nói.
Chỉ số hài lòng cao
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trước đây, đơn vị này có xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hẹn ở Phòng Dạy nghề, Phòng Việc làm, Phòng An toàn lao động do quy định pháp luật thay đổi, nhân viên chưa nhiệt tình công tác. Tuy nhiên, từ tháng 6-2016 đến nay, không có hồ sơ trễ hẹn. “Sở đã ban hành và thực hiện quy chế xin lỗi, quy chế tiếp công dân và thành lập ban chỉ đạo cải cách hành chính nên tình trạng hồ sơ trễ hẹn không còn” - ông Tấn thông tin. Trong khi đó, ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong năm 2016, đơn vị đã tiếp nhận hàng trăm ngàn hồ sơ và chỉ số hài lòng của người dân đạt 92%. Riêng tháng 1-2017, Sở Xây dựng giải quyết hơn 26.000 hồ sơ và đúng hẹn 83%. “Một số hồ sơ trễ hẹn là do không đủ giấy tờ, thủ tục. Với trường hợp trễ hẹn thì phải gửi thư xin lỗi và trình bày lý do để người dân có cái nhìn thỏa đáng” - ông Hùng khẳng định.
Sở Công Thương đang thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả với 117 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng, an toàn thực phẩm, điện, giám định thương mại, lưu thông hàng hóa trong nước, quản lý cạnh tranh, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại… Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở Công Thương, tính từ ngày 30-9-2016 đến nay, chưa phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn. Năm 2017, Sở Công Thương sẽ quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân khi giải quyết hồ sơ bị chậm trễ; đồng thời có hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hẹn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.
Kỷ luật nếu trễ hẹn nhiều lần
Quận 1 là đơn vị thực hiện thư xin lỗi đối với các trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn từ nhiều năm nay. Theo quy định của UBND quận 1, thư xin lỗi phải nêu rõ tình trạng thụ lý, lý do trễ hẹn. “Khi thực hiện thư xin lỗi, các phòng - ban liên quan đến hồ sơ hành chính trễ hẹn phải giải trình rõ nguyên nhân do chủ quan hay khách quan. Từ lỗi này, lãnh đạo quận sẽ có biện pháp xử lý phù hợp” - ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết. Theo ông Anh, chính quy định rõ ràng này mà việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2013 đến nay, quận 1 không phải viết thư xin lỗi nào vì không có hồ sơ trễ hẹn.
Ông Võ Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng UBND quận 10, cho biết quận có quy định cụ thể, xử lý những cán bộ trong việc thực hiện thư xin lỗi. Đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý, nếu viết thư xin lỗi 2 lần thì phải giải trình, 3 lần sẽ bị chuyển công tác. Còn cán bộ, công chức chỉ cần 2 lần thực hiện thư xin lỗi mà do nguyên nhân chủ quan là đã không được xét thi đua, chuyển công tác. Theo ông Thanh, từ khi thực hiện thư xin lỗi, số lượng hồ sơ giải quyết đúng hẹn đã tăng lên, số lượng thư xin lỗi ngày càng giảm.
Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, năm 2016, quận đã phát hơn 7.800 đơn, thư xin lỗi người dân do việc giải quyết hồ sơ trễ hẹn, phần lớn thuộc sự chậm trễ của Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân. Việc trễ hẹn là do thủ tục hành chính nhiêu khê, nhiều vấn đề cần phải kiểm tra và rà soát từ các sở, ngành. “Nói như vậy không phải đổ lỗi tất cả do người dân mà là có cả lỗi của cán bộ, công chức chưa hướng dẫn người dân cụ thể” - bà Diệu nói. Ông Nguyễn Anh Cường, Chánh Văn phòng UBND quận Bình Tân, thừa nhận địa phương có số lượng thư xin lỗi được cho là “khủng”. Khắc phục vấn đề này, quận đã ban hành Kế hoạch 577/KH-UBND để xử lý trách nhiệm người liên quan. Theo đó, trong vòng 7 ngày phát thư xin lỗi phải tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý, giải quyết hồ sơ trễ hẹn. “Người thụ lý phải chủ động khắc phục hoặc đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, bảo đảm kết quả đúng hẹn. Trong vòng 1 năm mà để xảy ra 3 lần kiểm điểm thì sẽ luân chuyển công tác” - ông Cường thông tin.
Không chấp nhận hứa hẹn
Năm 2016, ông Trần Văn Toàn (ngụ phường An Lạc A, quận Bình Tân) nhận được nhiều thư xin lỗi của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân nhưng tiến độ giải quyết rất chậm. Tháng 5-2016, ông Toàn nhận được thư xin lỗi và hứa sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất nhưng vài tháng sau đó lại tiếp tục nhận được thư với điệp khúc tương tự. “Nếu hồ sơ của chúng tôi còn thiếu gì thì cơ quan chức năng phải yêu cầu bổ sung hoặc phối hợp để đẩy nhanh tiến độ. Ngoài ra, người dân cần một mốc thời gian cố định khi nào sẽ có kết quả để chủ động công việc chứ không thể chấp nhận kiểu hứa hẹn “trong thời gian sớm nhất” - ông Toàn nói.
Bà Lê Thị Thu Tuyền (ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) cho biết tháng 5-2016 có nộp một bộ hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Phú để đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, giữa tháng 7-2016 sẽ có kết quả. Tuy nhiên, đến ngày hẹn thì cán bộ đến nhà gửi thư xin lỗi với nội dung: “Hồ sơ vướng mắc một số thủ tục, chúng tôi sẽ kiểm tra và sớm có kết quả”. Đúng như trong thư xin lỗi, tháng 8-2016, bà Tuyền nhận thông báo hồ sơ đã được giải quyết và kèm theo một bức thư cảm ơn. “Những bức thư này đã khiến tôi hài lòng” - bà Tuyền nói.
S.Đông - L.Phong
Bình luận (0)