Thời gian qua, dự án BOT cầu Hạc Trì đã gây ra không ít mâu thuẫn, tranh cãi và xung đột lợi ích. Đỉnh điểm là việc doanh nghiệp đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Lô ở TP Việt Trì này đổ bê tông xây các trụ hồi tháng 3 năm nay để ngăn không cho ô tô đi qua cầu Việt Trì nhằm dồn sang đi cầu Hạc Trì. Doanh nghiệp làm thế vì cho rằng họ cần bảo đảm khả năng thu hồi vốn tới hơn 1.900 tỉ đồng đã bỏ ra xây cây cầu mới với công năng thay thế cây cầu cũ nát, nguy hiểm.
Tuy nhiên, người dân địa phương lại không muốn bỏ phí mà theo họ là đắt đỏ với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 180.000 đồng/lượt từ 18 tấn trở lên để đi qua cầu Hạc Trì. Trong khi đó, cầu Việt Trì dù cũ và được đánh giá là nguy hiểm nhưng chưa có kết luận chính thức nguy hiểm tới mức nào và loại phương tiện nào không thể đi qua. Điều quan trọng nhất là người dân cho rằng họ phải có quyền lựa chọn đi cầu mới trả phí hay cầu cũ không mất phí.
Tới khi trụ bê tông cản đường và biển cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì đều bị phá thì Công ty Cổ phần BOT Việt Trì gửi đơn “kêu cứu”, cho rằng họ không bảo đảm phương án thu hồi vốn và sẽ bị phá sản nếu không có biện pháp giải quyết. Trong đơn gửi ngày 8-8, doanh nghiệp xin được dừng hoạt động cầu Hạc Trì nếu sau 15 ngày mà các cơ quan có thẩm quyền không bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Cho dù doanh nghiệp khó có thể “đóng cửa” cầu Hạc Trì do luật không cho phép, song việc dọa như vậy đã làm nhớ tới câu nói nổi tiếng “doanh nghiệp đừng có dọa nhà nước” hồi tháng 9-2011 của ông Vương Đình Huệ khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Câu nói đó đã thể hiện quan điểm hài hòa lợi ích giữa ba bên “doanh nghiệp - người dân - nhà nước”, quyết không “nuông chiều” theo lợi ích của doanh nghiệp xăng dầu.
Với quan điểm “Chính phủ kiến tạo”, Chính phủ hiện nay do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, trong đó có Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực kinh tế tài chính Vương Đình Huệ, rất coi trọng vai trò của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp phát triển. Song đó có lẽ là những doanh nghiệp hài hòa lợi ích với xã hội và người dân chứ không tuyệt đối hóa lợi nhuận của mình, nhất là không “bắt chẹt” người khác kiểu độc quyền như trên.
Doanh nghiệp khi va chạm, xung đột lợi ích với người dân thì nên tìm cách đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa lợi ích của các bên liên quan thay vì có những việc làm cực đoan như cấm đoán, ra “tối hậu thư”… và càng không nên dọa nhà nước.
Bình luận (0)