Song, niềm mơ ước, nỗi đam mê ngày nào của các em thật khó thành hiện thực nếu nhìn vào những rắc rối nảy sinh trong việc xét tuyển vào ĐH hiện nay.
Các trường ĐH cùng thí sinh và cả gia đình đều đang rối như tơ vò trước những phức tạp, rắc rối trong việc xét tuyển nguyện vọng 1 vào ĐH. Do lo trượt ĐH, rất nhiều thí sinh đã đến các trường này để rút hồ sơ đăng ký ban đầu theo nguyện vọng 1 rồi lại nộp vào trường khác. Rắc rối nảy sinh từ việc có quá nhiều thí sinh rút ra, nộp vào hồ sơ để xét tuyển.
Nguồn cơn quan trọng dẫn tới rắc rối nêu trên là quy định tạo điều kiện hết cỡ cho việc nộp, rút hồ sơ theo nguyện vọng với mong muốn thí sinh có nhiều cơ hội vào ĐH. Trong khi đó, các năm trước quy định về việc này tương đối khắt khe. Thậm chí, có trường còn không cho rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng. Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh rút, nộp hồ sơ sau khi biết điểm dù có vất vả song “ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn, tránh trường hợp điểm cao mà trượt ĐH”.
Thực tế cho thấy việc xét tuyển vào các trường ĐH đang rất phức tạp cho cả nhà trường lẫn thí sinh. Chưa chắc thí sinh điểm cao mà đỗ nếu không biết lượng định chính xác khi nộp hồ sơ. Đó là chưa kể một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra trước kỳ thi chung quốc gia lần đầu tiên - giảm phiền phức, tốn kém, mất thời gian cho thí sinh và xã hội - hiện chưa đạt được.
Việc được rút, nộp hồ sơ xét tuyển sau khi biết điểm thi đã khiến thí sinh cùng gia đình nháo nhào, chạy đôn chạy đáo với mục tiêu tối thượng là đỗ ĐH; chuyện đỗ trường nào, ngành học nào không còn quan trọng. Hiện nay, thí sinh chỉ cốt làm sao lọt qua cánh cổng trường ĐH, còn mọi thứ khác như nguyện vọng, ngành học yêu thích, đam mê… đều để tính sau!
Với thực tế đang diễn ra, có thể thấy sau kỳ xét tuyển năm nay, không ít sinh viên sẽ vào trường ĐH theo ngành học trái với nguyện vọng, ước mơ của mình. Những sinh viên vào “nhầm” trường, ngồi “nhầm” lớp này liệu có hứng thú, đam mê học tập trong suốt những năm học ĐH? Điều quan trọng hơn là những sinh viên học trái ngành nghề yêu thích còn có thể phải đeo đuổi việc làm, nghề nghiệp không hứng thú trong suốt cuộc đời dài đằng đẵng sau này.
Vào ĐH là một ngưỡng vào đời rất quan trọng. Song, điều quan trọng không kém là được học tập ngành nghề mà mình yêu thích, đam mê. Đừng chỉ coi vào được ĐH là tất cả mà vứt bỏ niềm đam mê của thí sinh. Vứt bỏ đam mê theo cách đó có thể khiến thí sinh “một lần lạc bước” mà “chênh vênh cả đời”.
Bình luận (0)