ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM): "Một con gà đang “cõng” tới 14 loại phí, lệ phí"
Phiên chất vấn sáng 11-6 mang lại nhiều cảm xúc cho các Đại biểu (ĐB) Quốc hội. Nghe người chất vấn cũng như người trả lời chất vấn, nhiều ĐB không khỏi bật cười nhưng thấm thía trước một vấn đề nhỏ nhưng không nhỏ đang khiến nhiều người dân đau đầu.
Đó là ý kiến của ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát giải trình: Hồi đầu năm, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về góp ý cho Luật Thú y, đại diện một doanh nghiệp cho biết, hiện phí, lệ phí kiểm dịch trên gia cầm còn khá nhiều, đôi lúc trùng lắp làm tăng chi phí sản xuất và lưu thông. Trong đó, một con gà đang “cõng” tới 14 loại phí, lệ phí như: Kiểm dịch gà con mới nở, cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu gà khỏi trang trại ngoài tỉnh, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng... Quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí....
Trả lời câu hỏi khó của ĐB, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết đã nghe đoàn đại biểu phản ánh về vấn đề này và đã cử Cục trưởng Cục Thú y và đoàn công tác đi kiểm tra. Về cơ bản, cơ quan thú y thực hiện những quy định của luật pháp hiện hành chứ không sai.
“Tuy nhiên, tôi cũng yêu cầu, nếu luật pháp hiện hành có sai thì cũng phải sửa. Ví dụ quy định về việc thu phí kiểm dịch theo số quả trứng là tôi không đồng ý nên tôi yêu cầu một là kiểm dịch đi thu tại nơi xuất phát một lần và chấm hết. Thứ 2 là thu phải hợp đạo lý, bây giờ người ta chở trứng đi, mình chỉ nhìn đếm theo quả trứng mà thu là không được”- lời Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Do đó, Bộ trưởng Phát cho biết đã có công văn gửi Bộ Tài chính để cùng nhau sửa những bất cập của Thông tư quy định về phí thú y này. “Tôi yêu cầu Cục Thú y xây dựng quy định với tinh thần ấy, giảm tối thiểu những phiền nhiễu và chi phí vào người dân"- Bộ trưởng Phát nói.
Nghe trả lời của Bộ trưởng Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thắc mắc: “Quy định đếm trứng và thu phí là do ai ban hành?” thì được giải thích do Bộ NN-PTNT đề xuất, Bộ Tài chính chấp thuận và ban hành.
"Hủy khoản đó đã, sau đó sẽ sửa đổi cả thông tư sau. Điểm nào không hợp lý thì Bộ trưởng phải hủy ngay"- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Bộ trưởng Phát trả lời nhanh: “Tôi đã có văn bản gửi sang Bộ Tài Chính chắc là xin đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng với tôi, trong một quý sẽ sửa lại thông tư này”. Thông tư này do Bộ Tài chính ban hành nên Bộ NN-PTNT không có quyền huỷ tuy nhiên cho biết sẽ đề nghị Bộ trưởng Tài chính sẽ ra thông báo dừng thi hành quy định này từ tuần tới.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 11-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là bộ trưởng đầu tiên "đăng đàn" trả lời chất vấn các đại biểu (ĐB) Quốc hội.
Đề cập tới hàng loạt yếu kém của ngành nông nghiệp, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu thực trạng: Việc phát triển nông nghiệp hiện nay thiếu tuân thủ quy hoạch, thiếu liên kết 4 nhà; thiếu định hướng tư vấn của Nhà nước nên sản xuất hàng hoá chạy theo lợi nhuận trước mắt, không tính đến lâu dài. “Vì thế, cung vượt quá cầu, một số lĩnh vực được mùa mất giá. Lúc chặt điều trồng cao su, lúc chặt cao su trồng cà phê, lúc chặt cà phê trồng hạt tiêu… khó khăn và rối loạn, thua lỗ trong sản xuất” - ĐB Phương đề cập. Đồng thời ĐB đến từ Quảng Bình cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng sắp tới như thế nào?
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng phản ánh: Chủ trương liên kết 4 nhà gắn kết sản xuất và tiêu thụ được coi là hướng đi đúng để phát triển nông nghiệp bền vững nhưng thực tế chưa có nhiều thành công. “Thậm chí một số chuyên gia cho rằng, mục tiêu liên kết 4 nhà đã thất bại hoặc bị lãng quên… Trong 4 nhà thì nhà nào là nhạc trưởng, trụ cột của 4 nhà là gì?” - ĐB Tuyết thẳng thắn đặt vấn đề.
Cũng theo ĐB này, các chuyên gia kinh tế biển cho biết sản lượng hải sản cho phép ngoài khơi ở nước ta ước tính 1,1 triệu tấn, gần bờ khoảng 600.000 tấn. Nhưng hiện nay khai thác xa bờ chỉ đạt 600.000 tấn. Vì sao chính sách khuyến khích ngư dân thời gian qua không phát huy tác dụng? Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào?
Trả lời ĐB Nguyễn Ngọc Phương, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho rằng, Chính phủ đã có chỉ đạo, trong đó tập trung rà soát quy hoạch, hướng cho sản xuất cây trồng, vật nuôi có khả năng tiêu thụ tốt hơn; hỗ trợ vốn, kỹ thuật để sản phẩm năng xuất cao hơn.
ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) chất vấn - Ảnh chụp qua màn hình
Tuy nhiên điều kiện ta hiện nay theo yêu cầu cần phát triển mạnh doanh nghiệp (DN) và các tổ hợp tác, đặc biệt là DN. Chỉ khi phát triển theo chuỗi, gắn kết thì mới hạn chế phát triển tự phát.
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Tuyết, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chủ trương này đã đưa ra hơn chục năm nay, đã cố gắng triển khai thực hiện, bò sữa, mía thì liên kết tốt; 1 số sản phẩm nông dân không nhất thiết phải liên kết thì có lỏng lẻo hơn. Trong 2014 đã thực hiện với cây lúa ở ĐBSCL đã có hơn 100 DN liên kết 172 ngàn ha nhưng chỉ có 45 ngàn ha thành công, còn lại bỏ cuộc giữa chừng.
“Mối liên kết này ai là chính? Báo cáo QH là DN là chính” - Bộ trưởng trả lời ngắn gọn. Bộ trưởng giải thích thêm: Không thành công là DN trong Nhà nước còn ít, DN có năng lực tài chính để thực hiện không nhiều. Ngoài ra, các tổ hợp tác, HTX là rất ít vì vậy DN rất khó để liên kết với nông dân vì thiếu mắt xích kết nối để liên kết.
Ở các địa phương thiếu quy hoạch, chỉ có chưa đến 10 tỉnh làm được điều này. Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích DN tham gia vào chuỗi liên kết này. “Tôi nghĩ trong mọi tình huống chúng ta bình tĩnh để xử lý. Ví dụ dưa xuống giá là do khả năng thông quan kém, còn hành tím, ly do chính vì 70% hành này xuất khẩu sang Indonesia nhưng từ cuối 2014 nước bạn chủ trương tự túc nên ta gặp khó khăn” - Bộ trưởng trấn an nghị trường.
Nhìn tổng thể, theo Bộ trưởng, để nông dân có thu nhập cao hơn, chúng ta phải có lựa chọn để sản xuất hàng có chất lượng hơn, giá thành hạ hơn.
Bình luận (0)