Hôm nay (11-6), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xung quanh thực trạng “liên kết 4 nhà”, giải pháp ổn định đầu ra cho nông sản; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam.
Trước phiên chất vấn, bên lề QH, nhiều ĐBQH mong muốn các bộ trưởng phải đưa ra giải pháp cụ thể để gỡ “nút thắt” cho nông dân.
Nói mãi nhưng không có giải pháp hữu hiệu
ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết ông sẽ chất vấn bộ trưởng Bộ Công Thương về đầu ra nông sản, nhất là hành tím ở Sóc Trăng. Theo ông, hành tím Sóc Trăng là nông sản nổi tiếng nhưng gần đây ùn ứ nhiều do khâu tiêu thụ kém.
“Ba năm trước, tôi cũng chất vấn về vấn đề này và được bộ trưởng Bộ Công Thương hứa sẽ đưa ra giải pháp tiêu thụ, trong đó có phối hợp với Bộ NN-PTNT quy hoạch lại vùng trồng hành tím. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng xúc tiến thương mại cùng nhiều giải pháp khác để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, đến nay, kết quả không như lời hứa. Vì vậy lần này, tôi sẽ đề nghị bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ những việc đã hứa, nhất là trách nhiệm của bộ trưởng trong điều hành, kiểm tra việc thực hiện của địa phương” - ông Tâm nhấn mạnh.
Theo ĐB Tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có quyết tâm nhưng thiếu kiểm soát, đôn đốc, giám sát địa phương trong việc thực hiện lời hứa. Ông Tâm cho rằng trách nhiệm của địa phương là rất quan trọng vì chủ trương, chính sách đã đủ nhưng địa phương thực hiện kém dẫn đến không đạt mục tiêu.
“Địa phương không thực hiện thì trách nhiệm của bộ trưởng là phải giám sát, đốc thúc, thậm chí đề nghị Thủ tướng kiểm điểm những nơi không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu làm được điều đó sẽ không có chuyện được mùa mất giá đối với nông sản” - ông Tâm nhận định.
ĐB Tâm đề nghị các địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm của Hải Dương khi lãnh đạo tỉnh đích thân vào TP HCM bán trái vải cho nông dân. Ở Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cũng rất sâu sát nên hỗ trợ được nhiều cho nông dân và doanh nghiệp. Hay Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương trên danh thiếp của ông.
ĐB Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) cho biết phiên chất vấn này, ông sẽ hỏi nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân khi nông sản không bán được. Theo ĐB Học, mất mùa được giá không phải là vấn đề mới. Đây là hệ quả của việc thiếu quy hoạch. “Kỳ họp nào cử tri cũng bức xúc với tình trạng được mùa mất giá. Thế nhưng, kỳ này họ bức xúc hơn bởi nói mãi nhưng không thấy giải pháp hữu hiệu” - ông Học nhận định.
Loay hoay thế này, nông dân còn khổ!
Theo ĐB Võ Thị Dung (TP HCM), lần này, chất vấn bộ trưởng 3 bộ NN-PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ là hết sức cần thiết. “Trước đây, ĐB cũng đã chất vấn nhiều về vấn đề liên kết “4 nhà” nhưng có vẻ phần ai nấy lo, chứ chưa có sự phối hợp. Lần này, tôi muốn chất vấn, làm rõ bộ nào là chủ trì trong phối hợp, chứ cứ loay hoay thế này, nông dân còn khổ. Nhất là nước ta đang hội nhập mà cứ để tình trạng như thế này thì sẽ vô cùng khó khăn” - bà Dung lo lắng.
ĐB Học cho rằng liên kết “4 nhà” đã có chủ trương từ lâu nhưng không bền vững, phối hợp không chặt chẽ do lợi ích các bên chưa hài hòa. “Khi một nhà nào đó thấy quyền lợi không bảo đảm thì họ rút lui. Chúng ta cũng không thể buộc họ phải gắn kết khi lợi ích không bảo đảm” - ông Học phân tích.
Để liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp được vững chắc, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng phải có cơ chế ràng buộc mang tính pháp lý, hợp đồng mua bán chứ không phải hợp đồng ghi nhớ để tránh tình trạng “nhà này bỏ nhà kia” khi bị chi phối về lợi ích.
“Bộ Công Thương, NN-PTNT, Tài chính phải bảo đảm đầu ra, chứ nông sản cứ ùn ứ ở cửa khẩu là không được. Cứ nói phối hợp mà đến lúc hàng không bán được nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm” - bà Khá gay gắt.
Phải có chế tài
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng khả năng thực hiện lời hứa không phụ thuộc vào bộ trưởng bởi trong cơ chế hiện nay, không ai là người quyết định tất cả. “Không phải là biện minh cho các bộ trưởng nhưng tôi lấy ví dụ xã hội bức xúc về tình trạng hạ tầng quá yếu của ngành y tế. Tuy nhiên, việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng Bộ Y tế còn phụ thuộc vào kinh phí, sự phân cấp và nhiều vấn đề khác” - ông Quốc dẫn giải và cho rằng phải quy kết trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cũng phải đánh giá một cách biện chứng và quan trọng là phải có lộ trình để thực hiện cho được mục tiêu. Lộ trình đó phải được giám sát từng bước và có những chế tài ở mức độ khác nhau.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Thanh Hải cho rằng: “Chất vấn là hình thức thuộc hoạt động giám sát. Tuy nhiên, cử tri và ĐB quan tâm nhất là hậu giám sát. Mặc dù những vấn đề sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn được đưa vào nghị quyết của QH nhưng điều mà ĐB quan tâm là những chất vấn của mình được các bộ trưởng giải quyết đến đâu. Chính vì vậy, vai trò của ĐBQH trong hậu giám sát cũng rất quan trọng”.
Bình luận (0)