* Phóng viên: Thời gian qua, để kiểm soát tham nhũng cũng như minh bạch tài sản của cán bộ lãnh đạo, nước ta đã tiến hành phương thức kê khai tài sản, thu nhập. Ông nhận định gì về kết quả của phương thức này?
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
- Ông Lê Thanh Vân: Mục đích của kê khai tài sản là để kiểm soát thu nhập, kiểm soát tài sản tăng thêm của người nào đó khi tham gia bộ máy chính quyền hoặc đảm nhận một chức vụ có thể phát sinh những lợi ích mà người đó lợi dụng chức vụ để trục lợi, làm gia tăng tài sản của mình.
Ở các nước, chuyện kê khai tài sản là rất bình thường và họ thực hiện minh bạch. Chẳng hạn, khi ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử tổng thống hay khi được bổ nhiệm giữ một chức vụ nào đó thì các ứng cử viên bao giờ cũng phải công khai tài sản, thu nhập. Từ đó, xã hội có đầy đủ thông tin để kiểm soát bản kê khai cũng như tài sản.
Ở nước ta, bản kê khai tài sản của những người kê khai chỉ được công bố trong giới hạn cho phép ở một đơn vị, cơ quan và được cất giữ ở cơ quan có thẩm quyền. Vấn đề đặt ra là làm sao phải công khai, minh bạch hơn nữa trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt là những người giữ các chức vụ ở những lĩnh vực nhạy cảm có thể phát sinh tiêu cực, lạm dụng quyền lực, phát sinh tham nhũng. Trong vấn đề này, vai trò của nhân dân, của truyền thông rất quan trọng.
* Hơn 1 triệu công chức, lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp đã hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2016. Dư luận cho rằng với số lượng lớn như thế, nhiều bản kê khai sẽ bị xếp vào tủ mà không được xem xét thấu đáo. Liệu chúng ta có nên thay đổi cách làm?
- Công khai tài sản cả triệu người như vậy ra quy mô toàn xã hội là một việc rất khó làm. Luật pháp hiện nay quy định việc công khai được thực hiện trong cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác chứ chưa tiến hành kê khai ở nơi họ cư trú. Rõ ràng, việc công khai là hạn chế.
Có lẽ chúng ta phải thay đổi việc kê khai tài sản bằng cách mở rộng thêm hình thức. Chẳng hạn, các cơ quan truyền thông hoặc người dân khi phát hiện cán bộ có dấu hiệu bất thường về tài sản thì họ có quyền tiếp cận hồ sơ kê khai tài sản của cán bộ đó để so sánh, đối chiếu xem việc kê khai đúng hay sai, từ đó cung cấp cho cơ quan chức năng để làm rõ dấu hiệu bất thường trong kê khai tài sản này.
* Dư luận cho rằng với mức lương theo quy định của nhà nước, thật khó để cán bộ có thể sở hữu biệt thự, xe sang hay những tài sản kếch xù?
- Cần nhìn nhận khách quan, công tâm. Thu nhập khác tiền lương. Với cán bộ, công chức, nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền lương. Nhưng họ cũng có thể có những nguồn thu nhập khác như tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, đảm nhận thêm các nhiệm vụ khác có bồi dưỡng từ ngân sách. Họ cũng có thể làm thêm ở bên ngoài mà luật pháp cho phép. Hiện nay, cán bộ, đảng viên vẫn được góp vốn làm kinh tế ở bên ngoài nhưng có giới hạn những lĩnh vực mà họ không phụ trách hoặc lĩnh vực không chịu sự tác động bởi quyền hạn của họ.
Khi xem xét tài sản của ai đó thì phải xem xét nguồn gốc hình thành tài sản này. Có thể tài sản hình thành từ tiền lương và các thu nhập khác. Tất nhiên hiện nay, mức lương chỉ đủ sống hoặc chỉ ở mức trung lưu mà thôi. Thu nhập khác là cái gì thì người kê khai phải có bổn phận chứng minh, giải trình với công luận và cơ quan có thẩm quyền. Nếu nó hợp pháp, minh bạch thì dư luận mới tin.
Minh họa: KHỀU
* Báo chí đã thông tin về 6 lô biệt thự ở tỉnh Lào Cai qua đấu giá đều rơi vào tay các quan chức hoặc người thân của quan chức tỉnh này. Khu đất này từng được quy hoạch là công viên nhưng sau đó lại chuyển thành phân lô biệt thự. Điều này có bình thường?
- Câu chuyện ở Lào Cai có thể xảy ra 2 tình huống: Một là, quy hoạch được xác định từ trước nhưng thông tin không minh bạch. Về đấu giá, có thể có nhiều người tham gia nhưng không đủ tiền mua, rồi một số cán bộ có tiền tham gia đấu giá và trúng. Tuy nhiên, đây là tình huống giả định, muốn biết chính xác phải được tiếp cận hồ sơ. Tình huống này người ta hay nói là đúng quy trình.
Hai là, việc điều chỉnh quy hoạch đã hướng tới lợi ích của ai đó. Có thể khu đất trước đây dự kiến làm công viên nhưng sau điều chỉnh thành khu dân cư hoặc mục đích khác và yếu tố tác động điều chỉnh quy hoạch đó lại là những người có thẩm quyền. Họ tự thay đổi quy hoạch và chỉ có họ biết là mình mới có thể tham gia đấu thầu để trúng được. Khi đấu thầu thì thông tin cũng không minh bạch, làm cho các đối tượng khác không tiếp cận được.
Như vậy, những quy định có thể sơ hở và bị lạm dụng để tạo ra những quy định khép kín với những đối tượng khép kín. Quy trình vẫn đúng nhưng tính minh bạch không có khiến dư luận bức xúc.
Nếu như bình thường thì dư luận xã hội đã không đề cập nên tôi nghĩ nó không bình thường. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ quy trình chuyển mục đích sử dụng đất cũng như quy trình đấu giá 6 lô đất này có đúng quy định của pháp luật, có bình đẳng với các đối tượng khác hay không.
Bước vào tuần làm việc thứ hai từ ngày 29-5 đến 3-6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án luật: Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Du lịch (sửa đổi); Đường sắt (sửa đổi); Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi); Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thảo luận ở tổ về Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi)...
Bình luận (0)