Chiều 21-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Trước đó, Thủ tướng đã trình bày báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng tại kỳ họp QH thứ 6.
Tiếp tục rà soát thủy điện
Đi thẳng vào vấn đề gây lo lắng và bức xúc hiện nay là mặt trái của thủy điện, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chất vấn: “Thủy điện đã đóng góp một phần vào phát triển điện năng nhưng việc lập quy hoạch, thi công và vận hành đã gây nhiều hệ luỵ, Thủ tướng cho biết các giải pháp khắc phục?”. Cùng mối lo ngại, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn ra hàng loạt bức xúc đối với thủy điện, trong đó có việc làm lũ trầm trọng thêm và hỏi: “Thủ tướng cho biết ý kiến chỉ đạo để năm sau lũ không phải nặng nề hơn và người dân không chỉ biết than trời”.
Cụ thể, đối với 268 nhà máy đang vận hành, phải rà soát đánh giá lại an toàn hồ đập, nếu không an toàn phải ngừng hoạt động ngay. Rà soát quy trình vận hành hồ chứa để kịp thời bổ sung vì trong thực tế có thể phát sinh những vấn đề ngoài dự báo do tác động của thời tiết, khí hậu. Quy trình này phải được công khai cho người dân biết.
Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, ai không chấp hành sẽ xử lý nghiêm, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự. Công tác hỗ trợ hộ nghèo vùng tái định cư và trồng lại rừng được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn quyết liệt thực hiện.
Đối với nhóm 205 dự án đang khởi công xây dựng (tổng công suất 6.200 MW), Chính phủ đã chỉ đạo rà soát đánh giá thiết kế kỹ thuật để bảo đảm an toàn khi vận hành, nếu chưa an toàn phải dừng lại để bổ sung. Quy trình vận hành hồ chứa của các dự án này phải sớm hoàn thành để các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nhóm 248 dự án chưa khởi công, Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, trách nhiệm cụ thể cao hơn. Bộ Công Thương được giao quản lý tổng thể quy hoạch này.
Nợ công vẫn an toàn
Liên quan đến ngân sách và kinh tế, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) hỏi: “QH đã đồng ý nâng trần bội chi ngân sách song vẫn lo lạm phát cao quay trở lại. Giải pháp của Chính phủ?”.
Thủ tướng nhìn nhận: “Băn khoăn của ĐBQH về việc có nâng trần bội chi, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ trả nợ được không, có ổn định được kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại là chính đáng. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% của năm 2014, kiểm soát lạm phát ở 7%, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn là khả thi”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
Cũng lĩnh vực kinh tế, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) băn khoăn việc nhiều địa phương không có tiềm năng dầu khí vẫn có dự án nhà máy lọc dầu. “Phải chăng đang có hội chứng nhà máy lọc dầu?” - ĐB Đồng hỏi. Trước quan ngại này, Thủ tướng khẳng định Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các dự án lọc hóa dầu.
Hiện nay, Chính phủ đã có quy hoạch về phát triển nhà máy lọc dầu đến năm 2020 và định hướng đến 2025, phân bố ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ. Riêng dự án ở Cần Thơ có khả năng rút giấy phép do chủ đầu tư gặp khó khăn. Theo Thủ tướng, hiện chỉ có 1 dự án ngoài quy hoạch do một tập đoàn lớn của Thái Lan đầu tư dưới sự giới thiệu của Chính phủ Thái Lan, công suất 30 triệu tấn/năm ở Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho lập báo cáo tiền khả thi để xem xét, nếu có lợi thì sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch.
Có văn bản gây bức xúc, không khả thi
ĐB Hà Sỹ Đồng và ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cùng hỏi: “Nợ đọng văn bản hướng dẫn luật kéo dài nhiều năm, giải pháp của Chính phủ? Chính phủ có xử lý trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật?”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tình hình nợ văn bản diễn ra nhiều năm nhưng đến cuối năm 2012, Chính phủ chỉ còn nợ 27 văn bản, đây là mức thấp nhất so với 10 năm trước. Năm 2013, cần tới 129 văn bản thi hành 38 luật, pháp lệnh, gấp đôi năm 2012. Tới ngày 20-11, còn nợ 19 văn bản.
“Còn hơn 1 tháng cuối năm, tôi sẽ thúc đẩy ban hành xong số còn lại. Nhưng bên cạnh số lượng, còn phải xem chất lượng. Dù có tiến bộ song cũng còn một số quy định khi ban hành không phù hợp thực tiễn cuộc sống hoặc không khả thi, gây bức xúc trong nhân dân” - Thủ tướng nói. Để khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 4 giải pháp. Trong đó, trước hết là đề cao trách nhiệm người đứng đầu, từ Thủ tướng tới bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ…
Kiên quyết loại “sâu” khỏi ngành y Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng tại kỳ họp thứ 6 khẳng định hầu hết cán bộ y tế bảo đảm y đức nhưng còn một số người suy thoái về đạo đức, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao đạo đức phẩm chất, y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc. |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch: Chưa thể vừa lòng Với những gì các bộ trưởng trình bày, tôi ghi nhận các vị đã nhớ rõ trách nhiệm phải làm và trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Với tinh thần đó, tôi thấy các bộ trưởng đã có nỗ lực nhất định trong việc thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Khi trả lời, bộ trưởng nào cũng đã hứa sẽ nỗ lực song nỗ lực đến đâu thì chúng ta còn phải chờ.
Nhiều vấn đề cũng khó lắm, không thể giải quyết trong một sớm một chiều... Tinh thần chung là làm sao để bộ máy vận hành tốt, trách nhiệm giải trình cao và trách nhiệm với dân càng nâng lên chứ không quá kỳ vọng tại một kỳ họp trả lời chất vấn là giải quyết được mọi vấn đề của cử tri. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội): Thiếu lửa! Các vị bộ trưởng và các trưởng ngành đều đã chuẩn bị rất kỹ tài liệu để trả lời chất vấn của cử tri và các ĐBQH. Tuy nhiên, khi trả lời, các bộ trưởng thiên về diễn giải nhiều hơn là đi thẳng vào các vấn đề. Đề nghị các bộ trưởng nêu ngắn gọn, rõ ràng hơn về những nội dung, tiến độ, kế hoạch thực hiện cụ thể.
Trong kỳ chất vấn này, về độ “nóng” so với các kỳ họp trước không bằng và có thể đánh giá là thiếu lửa. Có thể do một số vấn đề nêu ra từ các kỳ họp trước đã được giải quyết nên sức hấp dẫn của phiên chất vấn này bị giảm nhiều.
Ngọc Dung ghi
|
Việt Nam không có báo lá cải Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khi trả lời chất vấn của các ĐBQH sáng 21-11. Bộ trưởng khẳng định báo chí ở Việt Nam là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân nên không thể có báo lá cải. Song, vị tư lệnh ngành truyền thông cũng công nhận trên thực tế, một số cơ quan báo chí có lúc không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, dẫn đến có biểu hiện của xu hướng báo lá cải. Để giải quyết, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các cơ quan chủ quản kiểm tra, xử lý kịp thời để ngăn chặn các sai phạm, đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp của phóng viên. Mặt khác, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như của người lãnh đạo cơ quan báo chí.
T.Dũng
|
Bình luận (0)