Ngày 24-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đã có công điện yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khẩn trương xử lý vị trí xuất hiện vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Km83 từ Yên Bái về Phú Thọ.
Lún nứt do… mưa lớn
Đại diện VEC giải thích: Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km đi qua nhiều vùng địa chất, thủy văn phức tạp. Suốt quá trình từ thiết kế đến thi công, VEC luôn đặt vấn đề kiểm tra, khảo sát và thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình. Hàng loạt biện pháp đã được áp dụng để xử lý những đoạn nền đất yếu trên cơ sở điều kiện từng khu vực. Đến cuối tháng 8 vừa qua, tuyến đường cơ bản hoàn thành đủ điều kiện thông xe nhưng vẫn còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu, lún trong quá trình khai thác. Các vị trí cần theo dõi tập trung ở các gói thầu A2, A3 và A4 (tại Km33, Km44, Km46, Km49, Km50, Km77, Km79, Km82+500 - Km83+500, Km89). Tại đây, VEC có cắm biển thông báo đoạn đường đang theo dõi đất yếu, lún. “Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 27-8 trước khi thông xe toàn tuyến, chúng tôi đã nói đến vấn đề này” - đại diện VEC lý giải.
Theo VEC, vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km83 chính là điểm nằm trong đoạn tuyến có nền đất yếu đã được VEC tiên lượng trước và đã dựng biển theo dõi đất yếu, lún. Đoạn tuyến này thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công.
Cũng theo VEC, sau 2 cơn bão liên tiếp vừa qua, tại vị trí này xuất hiện vết nứt có hình dạng vòng cung, điểm đầu tại Km82+995 và điểm cuối tại Km83+070 (chiều Lào Cai về Hà Nội). “Sơ bộ đánh giá hiện trường cho thấy đường khu vực này đi qua vùng đất yếu, xung quanh là ruộng thường xuyên ngập nước và có thể có những túi bùn bất thường xen kẹp. Với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa khiến tốc độ lún nhanh hơn dự kiến. Đây có thể là nguyên nhân sinh ra nứt” - đại diện VEC giải thích. Hiện đơn vị này đã tổ chức khoan khảo sát để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý.
Mất nhiều thời gian để xử lý
Bình luận về chuyện đường cao tốc dài nhất Việt Nam bị nứt chỉ sau 2 ngày thông xe, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng Phòng Giám định 1 - Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nói: “Tôi chưa thấy đường cao tốc của nước nào đã đưa vào sử dụng rồi nhưng vẫn cắm biển “đoạn đường đang chờ lún” như các tuyến cao tốc ở Việt Nam”.
Theo một chuyên gia thuộc Hội đồng Nghiệm thu nhà nước về công trình xây dựng, các đường cao tốc ở Việt Nam đều chạy qua nhiều địa hình thủy văn phức tạp nên việc xử lý chống lún gặp không ít khó khăn và phải có tính toán khoa học. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua 5 địa phương với địa hình đồi núi, sông ngòi, ruộng ngập nước sình lầy khó tránh khỏi việc lún sau một thời gian khai thác. Tuy nhiên, việc xử lý nền đất yếu phải bảo đảm kỹ thuật để độ lún nằm trong giới hạn cho phép, những vị trí lún phải có hướng xử lý kịp thời để an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông...
Trong ngày thông xe (21-9), phóng viên nhiều cơ quan báo chí đã nhận thấy trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn còn không ít vị trí chưa được hoàn thiện, nhiều vị trí chưa lắp hệ thống rào thép ngăn người dân đi bộ, đi xe máy hoặc gia súc vào đường cao tốc.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-9, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, cho rằng tại Km83 chỉ có một đoạn đường dài khoảng 50-60 m có hiện tượng lún, nứt. “Việc xử lý triệt để nền đất yếu trên đường cao tốc mất rất nhiều thời gian, vì vậy một đoạn nhỏ này có thể mất tới nửa năm. Cả tuyến đường dài 245 km quan trọng về nhiều mặt như vậy không thể chờ nửa năm để xử lý triệt để lún rồi mới thông xe. Chúng tôi phải chọn giải pháp nào tốt nhất” - ông Việt nói.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1 (sau khi đã điều chỉnh) có tổng mức đầu tư 1,464 tỉ USD. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, đi qua 5 địa phương là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; trong đó đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái lên Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Bình luận (0)