Vì là tuyến độc đạo vào cảng Cát Lái nên toàn bộ xe tải, xe container đều dồn vào đường Đồng Văn Cống. Tuyến đường này được Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) sửa chữa, nâng cấp hoàn tất thành 2 nhánh vào tháng 5-2012. Sau gần 1 năm sử dụng, toàn bộ tuyến đường đều bị lún ở phía làn xe container.
Đường bị lún thành vệt gần cảng Cát Lái, quận 2. Ảnh: QUỐC THẮNG
Đường mới làm vẫn lún
Theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường Đồng Văn Cống bị lún ngay từ trước cảng Cát Lái với độ sâu hơn 2 đốt tay. Vệt lún kéo dài theo làn đường xe container và chạy dọc toàn tuyến đường, độ lún nông - sâu thay đổi tùy vị trí. Tương tự, đường Mai Chí Thọ (đoạn từ Đồng Văn Cống đến cầu vượt Cát Lái) cũng bị lún và trồi nhựa thành vệt dài, lún nặng nhất ở đoạn gần giao lộ Mai Chí Thọ - Lương Định Của.
Có thời điểm vệt lún sâu đến gần 20 cm khiến một số ô tô gầm thấp bị cạ xuống gờ bê tông nhựa. Mặc dù Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TP - đại diện chủ đầu tư - đã 3 lần sửa chữa tạm mặt đường để bảo đảm giao thông nhưng khoảng 3 tháng sau, tuyến đường lại tiếp tục bị lún sâu như cũ.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho biết nguyên nhân đường Đồng Văn Cống bị lún là do xe quá tải. “Xe đã chở quá tải gấp nhiều lần mà còn chạy trên 1 làn đường nên không thể tránh khỏi tình trạng mặt đường bị oằn xuống, lún thành vệt” - ông Bình nói.
Vì tuyến đường Đồng Văn Cống vẫn còn trong thời hạn bảo hành nên CII đang lên kế hoạch sửa chữa. Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị TP cũng đang thử nghiệm cấp phối bê tông nhựa mới để thảm lại đường Mai Chí Thọ vào giữa năm nay.
Xử phạt ngay tại cảng
Hằng năm, lực lượng CSGT và Thanh tra Sở GTVT TP đều có kế hoạch phối hợp xử phạt xe quá tải, tuy nhiên, việc xử phạt chỉ như muối bỏ bể. Trung bình mỗi ngày, cơ quan chức năng chỉ xử phạt được chừng vài chục trường hợp, quá ít so với con số thực tế.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết khi thực hiện kiểm tra xe quá tải, rất nhiều trường hợp tài xế và chủ phương tiện không hợp tác, khóa cửa xe bỏ đi, không ký vào biên bản. Thậm chí khi phát hiện CSGT và thanh tra giao thông, tài xế tìm mọi cách lẩn trốn và còn báo tin cho các xe khác để họ tìm biện pháp đối phó.
Ông Lê Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 5, cho biết biện pháp xử phạt xe quá tải ngay tại cảng cũng khó khả thi vì dễ gây ùn tắc giao thông tại cổng cảng. Hiện nay, trên đường Đồng Văn Cống có dải phân cách cứng bằng bê tông, cũng rất khó dừng xe xử phạt mà không làm ùn tắc giao thông. Thêm vào đó, trên đường Đồng Văn Cống, hướng từ cảng Cát Lái ra xa lộ Hà Nội, cũng không có vị trí trống trải để kéo xe vào xử phạt.
Để khắc phục, ông Lê Hồng Việt kiến nghị: Cùng với các biện pháp mạnh trong việc xử phạt xe quá tải, phải quy trách nhiệm đối với lãnh đạo các cảng, kho bãi, khu chế xuất, nhà máy, xí nghiệp, công ty xếp dỡ và cả chủ doanh nghiệp vận tải. Nếu xe quá tải gây tai nạn thì người đứng đầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, việc kiểm tra tải trọng xe sẽ được thực hiện ngay tại gốc là các điểm xuất hàng, không để xe ra ngoài rồi mới kiểm tra.
Trong việc xử phạt xe quá tải, ngoài việc lập biên bản vi phạm hành chính còn bắt buộc phải hạ tải ngay phần quá tải rồi mới được lưu thông. Theo ông Việt, trong thực tế rất khó thực hiện quy định này vì không có cân tải trọng xe và địa điểm hạ tải.
“Vì vậy, nếu không đủ điều kiện buộc hạ tải thì chúng ta không cần yêu cầu hạ tải. Về lâu dài nên kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế. Có như vậy việc xử phạt mới không rơi vào tình trạng “nửa vời” - ông Việt nói.
Xe tải càng lúc càng tăng
Theo thống kê của cảng Cát Lái, lượng xe ra vào cảng năm 2008 là 10.000 lượt xe/ngày và tiếp tục tăng lên khoảng 12.000 lượt xe/ngày trong năm 2010. Hiện nay, lượng xe đã tăng thêm khoảng 20%. Theo dự báo của Sở GTVT, lượng xe ra vào cảng Cát Lái sẽ càng lúc càng tăng. |
Bình luận (0)