Thời gian qua, sự cố về chất lượng (chủ yếu là lún, nứt) xảy ra khá nhiều trên một số đường ngay sau khi đưa vào sử dụng không lâu. Trong đó, có thể kể tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, vốn đầu tư 30.132 tỉ đồng với chiều dài 245 km. Công trình thông xe toàn tuyến ngày 21-9-2014 và chưa đầy một tháng sau đã xuất hiện vết nứt dài 73 m. Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn qua xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) sau 5 tháng thông xe cũng hư hỏng...
Sẽ kỷ luật cán bộ liên quan
Mới đây nhất, nhiều nơi trên tuyến đường Hồ Chí Minh cũng bị lún, nứt sau gần 2 tháng thông xe. Trước đó, tuyến đường Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây phía quận 2, TP HCM) đưa vào sử dụng từ tháng 8-2010 nhưng chỉ một thời gian sau đã lún, trồi nhựa mặt đường.
Tại Quảng Ninh, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 (đoạn Uông Bí - Hạ Long) có chiều dài hơn 30 km, theo hình thức BOT, sau hơn 2 năm thi công đã được khánh thành ngày 1-8-2014. Tuy nhiên, công trình ngàn tỉ này cũng nhanh chóng xuống cấp, hằn lún vệt bánh xe sau thời gian khánh thành không lâu. Trong đó, nhiều vết nứt dài 3-5 m, lún sâu 4-5 cm. Nhiều chỗ lớp nhựa mới trải bị bung ra, lộ rõ nền đường cũ.
Trong khi đó, Quốc lộ 1 đoạn qua đường tránh TP Hà Tĩnh kéo dài tới huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) dài gần 72 km với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, khởi công vào tháng 6-2013, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 1-2015. Dù mới đưa vào sử dụng nhưng đoạn qua huyện Cẩm Xuyên đã xuất hiện những hố nhỏ dày đặc trên các vạch sơn phân luồng giao thông và vạch sơn dành cho người đi bộ khiến kết cấu mặt đường biến dạng. Trên đoạn đường dài chỉ gần 2 km nhưng có khoảng 100 điểm xuất hiện các hố làm mặt đường bóc nhựa và bong tróc các lớp đá...
Tại cuộc họp ngày 21-7 với các đơn vị liên quan nhằm xử lý hiện tượng hằn lún trên Quốc lộ 5 (cũ), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng gay gắt: “Đừng đổ lỗi cho đường quá nhiều xe đi lại! Không có xe đi lại thì làm đường làm gì? Nếu không xử lý dứt điểm hằn lún sẽ kỷ luật cán bộ liên quan”. Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng nhiều lần khẳng định tình hình hằn lún vệt bánh xe làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, khiến người dân mất niềm tin. Vì vậy, dù chỉ còn 1 m đường hằn lún, bộ cũng thấy có lỗi với người dân.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng để xảy ra tình trạng đường hư hỏng thì trách nhiệm chính và trực tiếp phải là nhà thầu thi công, chứ không phải ở khâu giám sát hay nghiệm thu. “Đường hư thì đừng đổ thừa do trời đất hay do Bộ Giao thông Vận tải, tư vấn giám sát; chỉ có 2 nguyên nhân là do thi công kém chất lượng hoặc do thiết kế có vấn đề” - TS Sanh khẳng định. Theo ông, việc thiết kế không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật khiến đường sẽ nhanh hư.
Phải có người chịu trách nhiệm
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng với những công trình giao thông đường bộ đầu tư ngàn tỉ chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng đã bị hỏng, nguyên nhân chính là do không bảo đảm quy trình xây dựng theo các tiêu chuẩn Việt Nam và một số tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình, tiêu chuẩn đều có nhưng khi thi công không thực hiện nghiêm túc, không được giám sát chặt chẽ hoặc có thể do cố tình giám sát không chặt chẽ để giảm bớt chi phí nên đường hỏng nhanh vì kém chất lượng.
Theo TS Thủy, thậm chí có cả việc xác định chi phí không hợp lý rồi khi làm đường, việc tính toán định giá không tốt, không khoa học nên đã khiến công trình kém chất lượng. “Khi đấu thầu, chúng ta tính giá hết sức đơn giản, chủ yếu lấy mức giá để làm thầu là chính. Các đơn vị đấu thầu cứ giảm giá một cách vô lý. Khi trúng thầu rồi thì cứ xin tăng dự toán, đội giá lên, dẫn đến khi làm xong thì giá tăng gấp đôi, gấp ba. Không tăng dự toán thì thi công ẩu, bỏ qua các quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật vì sợ đội giá; rồi sức ép tiến độ cũng là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng thi công có vấn đề” - ông nhận xét.
TS Thủy dẫn ví dụ về việc xây dựng một con đường ở miền núi, phải tính toán thật kỹ bao nhiêu tiền trên 1 km. Có thể cho du di trên dưới 10%, nếu vượt quá thì phải tự bỏ thêm tiền ra làm. Nếu làm chất lượng kém thì không những bị xử lý mà còn phải bỏ tiền ra để khắc phục chỗ sụt lún.
Theo ông Thủy, làm công trình nào cũng phải có người chịu trách nhiệm toàn bộ. Nếu điều hành công việc không tốt, làm giá cả tăng, đường hư hỏng, tiến độ kéo dài thì phải xử lý người này về trách nhiệm, chức vụ. Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh cũng cho rằng khi xảy ra sự cố thì phải có cá nhân chịu trách nhiệm cụ thể, chứ không thể nói trách nhiệm chung chung.
Chất lượng tồi, thiết kế sai
TS Phạm Sanh không đồng ý với việc cho rằng do xe quá tải chạy nên đường bị hư. Theo ông, xe quá tải chỉ làm đường nhanh hư chứ không phải là thủ phạm chính gây ra sự cố đường vừa làm xong đã lún, nứt.
“Đường hư nếu không phải vì thi công kém chất lượng thì là do khâu thiết kế sai. Dù xe chở quá 100% tải trọng cho phép nhưng đường làm đúng chất lượng thì phải 3 năm sau mới hư, không có chuyện mới làm 1-2 tháng đã lún, nứt. Điều này chỉ có thể nói là do chất lượng quá tồi” - ông khẳng định.
Bình luận (0)