An Giang là địa phương có nghề làm gạch, ngói lâu đời ở ĐBSCL. Hiện tỉnh này có trên 600 cơ sở sản xuất gạch, ngói. Đến các lò gạch, ngói này, chúng tôi luôn bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ gầy nhom đang làm lụng vất vả.
Dở dang đèn sách
Lò gạch, ngói của ông Tư Ẩn ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành - An Giang chuẩn bị nung 2.000 viên ngói móc. Dưới ánh nắng gay gắt giữa buổi trưa, một nhóm 6 đứa trẻ, lớn nhất chỉ khoảng 15 tuổi, đang tất bật phơi rồi khệ nệ chuyển ngói sống đưa vào lò.
Chúng tôi theo chân 3 em nhỏ đang đẩy một chiếc xe đưa ngói từ ngoài đồng vào lò. Một em mặt mày lấm lem bùn đất cố gượng người về phía trước lê từng bước chân nặng nhọc ì ạch kéo chiếc xe chở đầy ngói. Đến nơi, vừa buông chiếc xe ra, em ôm vội bình nước đá tu một hơi rồi ngồi bệt xuống đất vì thấm mệt. Hai em nhỏ đẩy xe phía sau vừa kéo áo lau mồ hôi vừa thở hổn hển.
Bà Nguyễn Thị Tư, người thuê nhân công chuyển gạch, ngói sống vào lò nung, phân trần: “Xóm này có hơn 10 đứa nhỏ từ 13 đến 15 tuổi đi làm gạch. Nhiều em phải đi làm để phụ giúp gia đình quá khó khăn. Như thằng nhỏ tên Lý kia, cha bệnh nặng không tiền thuốc men, nó phải cùng mẹ suốt ngày đi làm gạch.
Mỗi ngày làm, Lý cũng kiếm được 20.000 đồng. Mới 15 tuổi nhưng Lý đã nghỉ học đi cõng gạch 3 năm rồi. Năm nay, thằng Tú, em ruột nó, mới 13 tuổi cũng bỏ học để theo mẹ và anh đi cõng gạch”.
Ba em nhỏ ì ạch kéo xe ngói vào lò nung ở một lò gạch tại thị trấn An Châu, huyện Châu Thành – An Giang
Dọc bờ kênh Chắc Cà Đao ở thị trấn An Châu là khu vực tập trung lò gạch nhiều nhất huyện Châu Thành. Khi mặt trời vừa xế bóng, chiếc ghe to đùng từ từ cập bến ngay dưới chân cầu Giáo Xứ. Lập tức, 3 chú nhóc Thịnh, Tâm và Búp nhào ra cõng gạch đã nung xếp lên ghe.
Búp cạp vội trái bắp nấu trên tay rồi nhảy vội xuống cầu kéo dây neo, buộc ghe vào bờ. Cả nhóm bắt đầu ì ạch cõng gạch, nhìn xa như đàn kiến tha mồi về tổ. Thịnh mới 10 tuổi, đang học lớp 4 nhưng cũng tranh thủ thời gian rảnh đi cõng gạch kiếm tiền giúp cha mẹ.
Thân hình bé nhỏ nhưng mỗi lần em cõng đến 36 viên gạch chất từ thắt lưng lên tới đỉnh đầu. Thịnh chầm chậm bước theo thanh gỗ bắc xuống ghe, chỉ cần run chân hay sơ sẩy là rơi tòm xuống sông. Còn Tâm, 12 tuổi, nghỉ học cách đây 2 năm khi đang học lớp 4.
Trong nhóm, Búp, 11 tuổi, đáng thương hơn cả vì em chưa được một ngày cắp sách đến trường. Tâm sự với chúng tôi, Búp rầu rĩ: “Con thích đi học chữ lắm nhưng nhà thường xuyên không có gạo ăn thì lấy gì sắm quần áo, sách vở để đến trường...”.
Nhóc tì đã là lao động chính
Ở bãi đá Bà Đội, huyện Tịnh Biên - An Giang, chúng tôi bắt gặp hình ảnh xót xa của cặp song sinh Nguyễn Văn Trắng và Nguyễn Văn Đen. Khi anh em Trắng – Đen mới lên 9 tuổi, cha mẹ 2 em đã lần lượt qua đời. Cuộc sống càng vất vả hơn khi 2 em phải nương tựa vào ông bà ngoại thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Trắng – Đen học đến lớp 6 thì phải nghỉ vì ông bà ngoại không còn khả năng lao động lại bệnh tật triền miên.
Rời khỏi ghế nhà trường để tìm kế mưu sinh, 2 em tìm đến bãi đá Bà Đội. Mới 14 tuổi nhưng Trắng - Đen đã có 2 năm làm nghề gánh đá và đã trở thành lao động chính trong gia đình. “Cháu chỉ ước mơ ngày nào cũng có ghe đến “ăn” hàng để làm có tiền trang trải cuộc sống và lo cho ông bà” - Trắng bộc bạch.
Suốt 6 giờ liền, anh em Trắng - Đen phải vất vả thay nhau gánh một xe 3 m3 đá xuống ghe mới được trả công 40.000 đồng. “Những hôm nào không có hàng thì coi như đói, vì phải trả tiền cho 2 chuyến xe ôm đi về từ nhà cháu đến bãi đá" - Trắng nói.
Thực trạng nhức nhối Tại An Giang, chỉ riêng huyện Châu Thành, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện, đã có 478 trẻ/453 hộ gia đình phải bỏ học để lao động sớm. Trong đó, có 400 trẻ làm việc ở lò gạch. Còn theo số liệu của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em An Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 trẻ vào đời lao động sớm.
|
Vụ “Tai nạn lao động chết người, tại sao giấu?” Đơn vị thi công mắc 3 sai phạm Liên quan đến vụ điện giật làm chết công nhân Trần Thành Tâm, 16 tuổi, tại công trình của Công ty Đại Tân trong KCX Tân Thuận, quận 7-TPHCM (Báo NLĐ ngày 23 và 24-9 đã phản ánh), chiều 24-9, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM, cho biết đã xác định được những sai phạm ban đầu của đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Xây lắp Công trình Ngọc Lân. Cụ thể, công ty không khai báo vụ tai nạn chết người, không hợp tác ngay từ đầu với cơ quan chức năng và không bảo đảm an toàn lao động. Theo ông Việt, trong kết luận điều tra sẽ quy trách nhiệm cho từng cá nhân đã để xảy ra tai nạn làm chết Trần Thành Tâm. N.Phú |
Kỳ tới: Không tuổi thơ, không gia đình
Bình luận (0)