Kênh Chắc Cà Đao kéo dài từ sông Hậu chảy qua thị trấn An Châu, huyện Châu Thành - An Giang nối về Rạch Giá - Kiên Giang. Đứng trên chiếc cầu dây văng bắc ngang kênh Chắc Cà Đao ở thị trấn An Châu, chúng tôi không thể đếm hết có bao nhiêu lò gạch dọc hai bên bờ.
Dòng kênh... “cụt”
Nhiều năm qua, kênh Chắc Cà Đao được người dân địa phương gọi là kênh... “cụt”. Bởi lẽ, ngay đầu con kênh ở huyện Châu Thành, đã có hàng chục người- hầu hết là trẻ vị thành niên- bị cụt tay, chân từ nghề làm gạch. Theo ghi nhận chưa đầy đủ của chúng tôi, chỉ riêng 3 ấp Hòa Long 1, Hòa Long 2 và Hòa Phú 2 ở thị trấn An Châu, đã có gần 20 người bị tàn phế vì máy ép gạch. Người dân địa phương cho biết còn nhiều người bị tai nạn nữa nhưng họ không thể nhớ hết.
Một trong những trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là bé Ngô Thị Thái Ngân, bị tai nạn cách đây 5 năm, khi mới 7 tuổi. Chị Giấy, mẹ bé Ngân, thất thần nhớ lại: “Đó là một buổi sáng cuối tháng 4-2004, khi Ngân ôm đất cho vào cối ép gạch. Nó lấy tay ém đất xuống liền bị máy quấn lấy cánh tay bên phải. Tôi hô hoán nhưng những người xung quanh quá bất ngờ không kịp tắt máy ngay. Một lúc sau, tôi mới lôi được con gái ra khỏi máy thì cánh tay nó đã dập nát gần tới vai”.
Một trẻ vị thành niên bị máy ép gạch cắt cụt 2 tay. Ảnh: B.DŨNG
Bà Lê Thị Thưởng ở ấp Hòa Phú 2 cho biết Nguyễn Thị Thía, con gái bà, cũng bị máy ép gạch làm cụt mất một chân khi mới lên 10 tuổi. “Hồi ấy, cả gia đình tôi 5 người đều làm mướn cho một lò gạch cạnh nhà. Thía còn nhỏ nhưng cũng theo gia đình đi làm. Hôm đó, Thía vừa bước chân lên chiếc kệ cao nơi công nhân ngồi đưa đất vào miệng cối thì bị trượt ngã, một chân lọt vào trong cối và bị nghiền nát tới đùi. Tôi đứng chết lặng nhìn con, ú ớ không la lên nổi. Sau này, con bé bị cưa chân lên tới nửa đùi và đành mang chân giả” - bà Thưởng ngậm ngùi.
Chúng tôi còn gặp chị Lý Thị Hồng Vân, 32 tuổi, bị tai nạn mất một chân trái cách nay 16 năm; anh Nguyễn Thanh Tùng, bị cụt chân trái cách nay 11 năm khi chưa được 15 tuổi... Tất cả đều phút chốc gặp nạn và trở thành tàn phế từ những chiếc máy ép gạch.
Chủ lò né tránh trách nhiệm
Khi tai nạn xảy ra, chủ lò gạch thường tìm mọi cách né tránh trách nhiệm.Hôm gặp chúng tôi, chị Lý Thị Hồng Vân vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại ngày gặp nạn khiến chị trở thành người tật nguyền. Điều đau lòng là khi chị Vân được đưa tới bệnh viện cấp cứu và phải phẫu thuật cưa gần hết chân bên trái, chủ lò gạch lại khai báo với cơ quan chức năng rằng chị đến quậy phá rồi bị nạn chứ không phải là người do lò thuê mướn.
Bị nhiều người dân địa phương phản ứng gay gắt, chủ lò mới thừa nhận đã mướn Vân làm việc khoảng một năm, dù biết chị chưa đủ tuổi lao động. “Lúc đầu, mẹ tôi yêu cầu chủ lò gạch hỗ trợ cho tôi chiếc máy may và cho một chỉ vàng để đi học may, nhưng họ không chịu. Sau đó, chính quyền địa phương đã can thiệp buộc chủ lò gạch phải bồi thường cho tôi 5 triệu đồng. Do nhà nghèo quá, sau khi khỏe lại tôi vẫn mang chân giả tiếp tục đi làm gạch và cố gắng dành dụm chút tiền học nghề uốn tóc” - chị Vân thổ lộ.
Tương tự, anh Nguyễn Thanh Tùng, người bị máy ép gạch “ăn” mất một chân 11 năm trước, cũng phải tự lo cho bản thân sau tai nạn. Anh bức xúc: “Chủ lò gạch hứa hẹn đủ điều để tôi đừng thưa kiện. Ngoài tiền chi phí thuốc men và lắp cho tôi cái chân giả, chủ lò gạch bỏ mặc tôi. Đã vậy, sau khi lành bệnh, tôi xin vào làm lại nhưng chủ lò không chịu nhận vì chê tàn tật”...
Rời dòng kênh “cụt” Chắc Cà Đao, chúng tôi không thể quên hình ảnh bé Ngô Thị Thái Ngân - bị tai nạn mất một cánh tay đã trở nên mặc cảm, xa lánh bạn bè cùng trang lứa và người lạ. Anh Ngô Văn Hiệp, ba của Ngân, lo lắng: “Bé Ngân đang đi học nhưng nó cứ mặc cảm vì tàn tật. Từ khi bị nạn, sức khỏe nó yếu và thường bị té vì mất thăng bằng. Vợ chồng tôi cũng ráng lo cho Ngân học nhưng không biết tương lai nó sẽ đi về đâu...”.
Bình luận (0)