Em nhỏ này hằng ngày phải đi chăn trâu cho chủ để kiếm tiền sinh sống.
Ảnh chụp tại Kiên Lương, Kiên Giang. Ảnh: NGỌC TRINH
Cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước
Giai đoạn nào cũng vậy, trong cộng đồng xã hội luôn có những trẻ em khó khăn, cơ nhỡ. Sự tiến bộ của xã hội là xã hội đó có chính sách quan tâm đến những con người khó khăn, bất hạnh, đặc biệt với trẻ em. Lâu nay, công tác từ thiện xã hội đã được mọi tầng lớp nhân dân, những nhà hảo tâm tham gia rất hữu hiệu để cứu giúp những cảnh đời khốn khó. Chúng tôi mong muốn song song với sự vận động từ thiện xã hội, Nhà nước cần có chính sách để giúp đỡ những người cơ nhỡ, như giúp cho các em được học nghề miễn phí, tạo điều kiện cho các em có công việc phù hợp để ổn định cuộc sống, có quy chế riêng cho những cơ sở nhận trẻ em cơ nhỡ vào làm việc... Có như vậy thì sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội đối với các em mới thiết thực, cụ thể.
BÙI XUÂN ĐIÊP (An Giang)
Mong có nhiều mái ấm tình thương
Những năm qua, nhiều hội đoàn, các tổ chức từ thiện ở các địa phương đã xây dựng nhiều mái ấm tình thương để cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ trẻ em không gia đình và những người khó khăn không nơi nương tựa. Phong trào từ thiện đó đã giúp được rất nhiều người vượt qua sự nghiệt ngã của số phận.
Qua loạt bài Mưu sinh từ tấm bé trên Báo Người Lao Động và những bức ảnh về trẻ em mưu sinh, nhiều em còm cõi phải còng lưng gánh đá, còng lưng cõng gạch khiến chúng ta đều cảm thấy quá xót xa. Đề nghị chính quyền các địa phương cùng chung tay xây dựng thêm nhiều mái ấm như các tổ chức từ thiện đã làm. Cả xã hội cùng chung sức để giúp đỡ, xoa dịu bớt nỗi đau của trẻ em khó khăn cơ nhỡ.
LÊ ĐỨC MINH (Đồng Nai)
Các em đang cần việc làm
Trẻ em nào cũng mong muốn được đến trường học hành, được vui chơi với các bạn cùng trang lứa. Nhưng không phải tất cả trẻ em đều được gia đình chăm lo. Có những em, do hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học để kiếm việc làm nuôi thân. Nhiều em phải kiếm tiền để giúp đỡ cha mẹ bị bệnh...
Nếu căn cứ vào luật pháp người đủ tuổi lao động mới được đi làm thì nhiều trẻ em cơ nhỡ sẽ phải đi làm chui. Đó chính là kẽ hở để những ông chủ, bà chủ thiếu lương tâm chèn ép, bóc lột sức lao động của các em. Chuyện này đã từng xảy ra tại các cơ sở may gia công nhỏ lẻ ở TPHCM. Nhiều ông chủ đến các vùng quê khó khăn để tuyển lao động trẻ em đưa về nuôi kín ở trong nhà và bắt các em lao động cật lực. Họ trả công các em rẻ mạt, thậm chí còn bị quỵt tiền công.
Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị Nhà nước cần bổ sung quy định về lao động cho những trẻ em khó khăn cơ nhỡ, giúp các em kiếm được việc làm phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi và tránh bị lợi dụng, bị bóc lột.
NGUYỄN TUẤN HẠNH (Cần Thơ)
Hãy giúp các em được học nghề
Đọc loạt bài phóng sự “Mưu sinh từ tấm bé”, tôi thấy thương các em quá đỗi. Nhìn những chồng gạch đè nặng lên những đôi vai gầy yếu đó, tôi tự hỏi không biết cuộc đời các em rồi sẽ về đâu, tương lai thế nào khi không được đi học, không nghề nghiệp, bán sức để mưu sinh? Và một khi tai nạn xảy ra, ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm chạy chữa cho những tấm thân còm cõi ấy?
Các em đã không may mất đi sự bảo bọc của gia đình nhưng đâu rồi vòng tay chở che của xã hội? Tôi đề nghị chúng ta nên mở thường xuyên hơn nữa những cuộc vận động đóng góp quỹ từ thiện chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Đồng thời đẩy mạnh công tác dạy nghề và giải quyết việc làm giúp cho các em cơ nhỡ giảm bớt được khó khăn.
THU TÂM (TPHCM)
Bình luận (0)