Bắt đầu hoạt động từ năm 2009, Cái Mép - Thị Vải (khu vực cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được kỳ vọng là cảng cửa ngõ quốc tế. Thế nhưng, lâu nay, khu cảng này chỉ hoạt động một cách èo uột, trong khi các bên liên quan vẫn chưa đưa ra được phương án nào khả quan để tình hình có thể sáng sủa hơn.
Kỳ vọng 10 chỉ được 1!
Chúng tôi có mặt tại con đường dẫn vào khu cảng Cái Mép - Thị Vải, nối với Quốc lộ 51. Những tưởng nơi dẫn vào tổ hợp cảng được cho là mang tầm quốc tế này nhộn nhịp hơn ngày mới khai trương. Thế nhưng, sau nhiều năm, khu này vẫn vắng tanh. Con đường duy nhất dẫn vào khu cảng vẫn ngổn ngang, gần 3 giờ trôi qua không có bóng dáng xe tải, xe container nào qua lại.
Những khu cảng lớn với cổng chào hoành tráng nhưng sâu bên trong lại yên ắng lạ thường. Thi thoảng, trong 5-6 khu cảng lớn do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư khai thác, chúng tôi mới bắt gặp cảnh bốc dỡ hàng. Tại các cổng vào bến cảng, bảo vệ canh gác nghiêm ngặt.
Từng nhiều lần chứng kiến cảnh vắng lặng của khu cảng, lần này chúng tôi tìm cách vào bên trong các bến và vẫn chỉ thấy cảnh đìu hiu. Lác đác vài chiếc tàu hàng bốc dỡ trong không khí uể oải. Nhiều bến, cầu tàu vắng ngắt.
Container hàng hóa vứt chỏng chơ ở khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải
Tại Cái Mép - Thị Vải, nhiều cảng lớn như SP-PSA, Tân Cảng - Cái Mép, cảng quốc tế CMIT… được đầu tư lớn, trang thiết bị hiện đại. Trong đó, CMIT có năng lực xếp dỡ khoảng 1,115 triệu TEU/năm (mỗi TEU tương đương một container 20 feet). Chỉ riêng cầu tàu của cảng biển này đã dài đến 600 m. Thế nhưng, lượng tàu cập bến ở đây chẳng được bao nhiêu. Máy nâng hạ luôn trong tình trạng nghỉ ngơi.
Một cán bộ phụ trách sản xuất tại CMIT cho biết: “Tàu bốc dỡ hàng ít quá, mỗi tuần chỉ khoảng 2-3 ngày có tàu ghé vào, những hôm còn lại thì vắng tanh. Cảng khai thác không hiệu quả, kỳ vọng 10 chỉ được 1. Nghe đâu nhiều đơn vị nước ngoài đã rút máy móc về đầu tư cho những nơi khác…”.
Chúng tôi liên hệ với lãnh đạo nhiều đơn vị khai thác cảng biển tại đây để tìm hiểu nhưng họ đều từ chối gặp. Qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép, một trong những đơn vị khai thác cảng - cho biết: “Nguyên nhân vắng tàu thì nhiều lắm, không lạc quan lắm. Tuy nhiên, để phân tích rõ thì cần phải có nhiều thời gian”.
Trong khi đó, đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải bộc bạch: “Đơn vị chỉ có trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước nhưng chứng kiến cảnh cảng vắng bóng tàu, tình hình khai thác èo uột, chúng tôi cũng cảm thấy buồn”.
Nhiều nguyên nhân
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cảng Cái Mép - Thị Vải vốn được đánh giá đầy tiềm năng, là cửa ngõ vùng và có những lợi thế mang tầm quốc tế, có thể khai thác dịch vụ mở tuyến đi thẳng sang Mỹ và châu Âu... nhưng rơi vào cảnh đìu hiu là do nhiều nguyên nhân. Ngoài suy thoái kinh tế chung, phần lớn nguyên nhân là do quản lý yếu kém, không khai thác được những tiềm năng vốn có.
Tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay, nhiều chủ hàng khẳng định biểu phí hàng hải cùng các chi phí khai thác, xếp dỡ, vận chuyển... cũng như phí canô dẹp luồng đều cao hơn các cảng TP HCM và cảng nước ngoài trong khu vực. Ngoài ra, quãng đường từ cửa sông vào khu bến cảng cũng kéo dài đến vài chục hải lý, làm tăng chi phí khi tàu muốn cập cảng. Trong khi đó, hệ thống đường sá từ cảng đến quốc lộ vẫn trong tình trạng ngổn ngang. Như vậy, nếu cập cảng Cái Mép - Thị Vải, tàu hàng sẽ phải chịu chi phí cao hơn rất nhiều so với khi vào cảng khu vực TP HCM.
Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cũng không kịp thời tạo dựng được dịch vụ logistics (bao gồm dịch vụ vận tải, lưu kho, gom hàng, đóng gói, dán nhãn, lắp ráp sản phẩm, hỗ trợ tài chính). Dịch vụ này kết nối các dịch vụ khác sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng với mục tiêu nhanh nhất, chi phí thấp nhất.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số quy định về giá dịch vụ xếp dỡ tại đây cũng chưa có sự tương quan chặt chẽ giữa các loại phương tiện, chẳng hạn giữa tàu và sà lan, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến bất lợi cho nhiều phía.
Theo ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để tăng tính hấp dẫn và năng lực cạnh tranh, thu hút đội tàu thế giới để không bỏ cảng, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải giảm một số lệ phí. Tuy nhiên, nếu vậy thì cứ phải chấp nhận tình trạng… lỗ.
Về việc kiến nghị giảm một số loại phí và lệ phí hàng hải, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết các bên liên quan đang tiếp tục xem xét. “Chúng tôi đang thúc đẩy nhanh một số biện pháp, tình hình sắp tới hứa hẹn sẽ khả quan hơn” - ông kỳ vọng.
Le lói hy vọng
Giữa tháng 5-2014, Bộ Giao thông Vận tải có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các bên liên quan, yêu cầu tích cực triển khai các giải pháp mà bộ cùng địa phương và các đơn vị đã thống nhất để nâng cao hiệu quả khai thác khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Một số biện pháp đã được đưa ra, như: Triển khai bình ổn giá xếp dỡ, bãi bỏ việc bắt buộc canô dẹp luồng cho tàu vào ra cảng, tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn trật tự giao thông luồng lạch…
Những giải pháp nêu trên đã đem lại hiệu quả bước đầu cho các đơn vị khai thác. Cụ thể, trong quý I/2014, lượng hàng hóa lưu thông đã tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2013.
Bình luận (0)