xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Èo uột như nhà văn hóa phường!

THU HỒNG - QUÝ HIỀN

Sân chơi dành cho người dân TPHCM, đặc biệt là thanh thiếu niên, đang thiếu, trong khi nhiều nhà văn hóa phường lại hoạt động èo uột, bị cắt xén cho thuê

Không chỉ cắt xén cho thuê mướn, nhiều nhà văn hóa (NVH) phường, xã  trên địa bàn TPHCM còn hoạt động cầm chừng, thậm chí có nơi suốt ngày đóng cửa im ỉm. Ngoài ra, một thực tế không thể phủ nhận là nhiều địa phương quản lý NVH theo kiểu “lỡ sinh con thì phải nuôi”.

Cho thuê hết công suất

Hình ảnh quen thuộc đập vào mắt mọi người khi đi qua các NVH phường - nhất là những NVH nằm ở vị trí  mặt tiền đường - là các bảng hiệu quảng cáo chiêu sinh các lớp học từ thẩm mỹ, thể hình đến yoga... Đặc biệt có nơi còn tận dụng làm nơi giữ xe cho các quán ăn, quán nhậu hay cho thuê mướn kinh doanh.
img
Nhà Văn hóa phường 1, quận 10 nằm ở vị trí đắc địa đang bị cắt xén cho thuê. Ảnh: TẤN THẠNH

Nằm ở vị trí khá đẹp, mặt trước của NVH phường 1, quận 10 quay ra đường Lý Thái Tổ, bên hông là đường Hồ Thị Kỷ. Do ở vị trí đắc địa nên NVH này được tận dụng cho thuê mặt bằng hết công suất. Mặt trước,  hàng loạt  bảng hiệu quảng cáo các lớp học, CLB thể hình, thẩm mỹ, CLB sóng nhạc… treo chật kín. Song đập vào mắt mọi người là bảng hiệu “Mô hình mẫu khu chuyên doanh hoa tươi” treo ngay trước mặt tiền và phía dưới là một căn phòng rộng khoảng 60 m2. Biển hiệu rất “kêu” nhưng khi quan sát bên trong cửa hàng hoa này thì chỉ thấy hoa chất đống la liệt như để bán sỉ. Vỉa hè của NVH này còn được khai thác triệt để với một bãi giữ xe máy chiếm trọn, kế bên còn là chỗ để vá lốp ô tô chiếm hết lối của người đi bộ. Người giữ xe cho biết ở đây chủ yếu giữ xe cho khách vãng lai chứ xe của học viên lui tới NVH rất ít.

Bên trong NVH có  quy mô 1 trệt, 2 lầu với diện tích khoảng 400 m2 nhưng vào ban ngày, hoạt động của NVH hết sức im ắng, ngoại trừ CLB Thể hình mở cửa từ sớm. Nằm khiêm tốn ở một góc gần lối lên cầu thang tầng 1, phòng đọc sách của NVH khóa trái cửa, bên ngoài trông cũ kỹ và bụi bặm. Một chị bán nước  giải khát trong khuôn viên NVH cho biết cả năm hầu như không thấy phòng đọc sách mở cửa.  Đặc biệt, trên lầu 1 của NVH này còn có một phòng treo biển săn sóc da mặt dù cửa mở nhưng không thấy nhân viên.  Ngay lối cầu thang tầng 1 còn có   một phòng treo bảng… HTX Phương Đông và cũng không thấy ai lui tới. Nhìn chung, NVH này  hết sức nhếch nhác, ẩm thấp. Định đến  Ban Chủ nhiệm để hỏi thăm hoạt động nhưng chúng tôi không tìm thấy phòng làm việc đâu. Một học viên của CLB Thể hình cho biết ít khi cán bộ quản lý của phường  lui tới NVH nên ở đây gần như khoán trắng cho các lớp học tự hoạt động!

Hoạt động cầm chừng

Nằm ngay mặt tiền đường Lũy Bán Bích, diện tích hơn 1.000 m2 nhưng mặt bằng phía trước CLB Văn hóa TDTT phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú lại cho tư nhân thuê mở quán cà phê nhạc hoành tráng. Bên trong, không gian dành cho các lớp học yoga, thẩm mỹ, võ thuật, thể hình phục vụ một bộ phận người dân, chưa có các loại hình vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi… Ông Hùng, người dân sống gần khu vực, tiếc rẻ: Thấy CLB văn hóa to vậy chứ người dân ít vào vui chơi, sinh hoạt lắm. Ban đầu khi mới mở ra, CLB có tổ chức chiếu phim cho bà con, nhưng sau này lại cho tư nhân thuê mở karaoke, còn bây giờ lại mở quán cà phê phía trước nên khi người dân muốn vào sinh hoạt, vui chơi cũng ngại.

Điểm sinh hoạt văn hóa thể thao phường 11, quận Tân Bình cũng được ưu tiên xây dựng tại vị trí đẹp trên mặt tiền đường Phan Sào Nam. Tuy có khá hơn những nơi khác là có văn phòng của Đoàn Thanh niên phường hoạt động, nhưng đáng tiếc là mặt bằng của địa điểm này ở phía trước cũng được tận dụng để cho thuê làm văn phòng luật sư, cửa hàng điện thoại, quán nước…

Không cho thuê mặt bằng, mở quán nước thì nhiều NVH chỉ hoạt động… cho có. Đơn cử như NVH Tân Phong (phường Tân Phong, quận 7), dù nằm ngay trong khu dân cư Tân Quy Đông nhưng suốt ngày đóng cửa im ỉm, chỉ mở ra mỗi khi các cơ quan, đoàn thể của phường họp hội. Để tận dụng, phía sau NVH cho thuê mở quán cà phê; còn phía trước, tối đến trở thành điểm giữ xe của nhà hàng đối diện.

Trung tâm văn hóa quận để làm gì?

Ngay cả Trung tâm Văn hóa Thể thao quận 7 nằm ở mặt tiền đường Huỳnh Tấn Phát cũng bị “lu mờ” bởi mặt tiền bị bao vây với gần 20 ki-ốt bán quần áo, dụng cụ TDTT, trà sữa, nước mía… lúc nào cũng nhộn nhịp. Trong khi bên trong, sân bãi rộng hơn 2.000 m2 nhưng lại đìu hiu, chỉ có một sân khấu cũ kỹ, một phòng tập thẩm mỹ, còn lại để trống cho học sinh các trường lân cận mượn sân học thể dục, không hề có sân chơi nào dành cho thiếu nhi, thanh thiếu niên… “Sân bãi rộng nên được trung tâm cho tư nhân thuê làm 2 sân tennis, mỗi tháng gần 10 triệu đồng/sân. Riêng ki-ốt cho thuê với giá rẻ bèo, mỗi cái 3 triệu đồng/tháng nhưng hầu như được tư nhân kinh doanh bằng cách sang đi sang lại, với giá vài chục triệu đồng”- một người dân phản ánh.

Kỳ tới: Hiếm nơi... sáng đèn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo