Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1880 về định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp, Hà Tĩnh (Formosa) gây ra.
7 nhóm đối tượng được bồi thường
Theo Quyết định 1880, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.
Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng. Trong đó, với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ 15,2 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ, định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, định mức bồi thường đối với lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ là 5,96 triệu đồng/người/tháng; lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV 7,65 triệu đồng/người/tháng; lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV 8,79 triệu đồng/người/tháng.
Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng (chi trả một lần). Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Đối với 3 đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên, nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết) và sản xuất muối thì thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định tổng mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thuộc địa phương quản lý, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 5-10. Bộ NN-PTNT chủ trì thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10-10.
Đáng chú ý, theo quyết định này, thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng, từ tháng 4-2016 đến hết tháng 9-2016. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại do Formosa bồi thường.
Khó khăn thống kê thiệt hại
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền địa phương các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế gấp rút đẩy nhanh việc thống kê, rà soát, xác định thiệt hại của từng đối tượng để làm cơ sở bồi thường.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định hiện tại, tỉnh đã thống nhất mức đền bù thiệt hại theo quyết định của Thủ tướng. Dự kiến ngày 3-10, tỉnh sẽ họp bàn thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả thống kê của tỉnh Quảng Trị, đến ngày 13-9, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại là 2.634 tàu, với tổng số lao động khai thác biển là 6.113 người; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 542,106 ha, với 10.115 lao động trực tiếp và 4.021 lao động gián tiếp bị ảnh hưởng. Dù vậy, quá trình xác định thiệt hại tại các địa phương đang gặp một số khó khăn, điển hình là tỉnh Hà Tĩnh.
Theo kê khai, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 4.636 tàu cá; 827 ha ao, hồ nuôi, gần 25.000 m2 nuôi lồng bè; 49,7 ha làm muối; 33.149 lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường của Formosa gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình thống kê, lên phương án đền bù thiệt hại, các địa phương trong tỉnh gặp một số khó khăn, như việc người dân bất hợp tác, kê khai không trung thực. Ông Nguyễn Quốc Hà - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh - xác nhận tại 4 thôn ở xã Kỳ Lợi và 3 thôn ở xã Kỳ Hà, một số người dân không hợp tác trong việc kê khai để nhận đền bù. Chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền vận động nhưng người dân không nghe. Ngoài ra, có một số hộ đã mua thuyền, đóng thuyền mới nên việc xác minh thiệt hại bị trở ngại.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo chính quyền cấp huyện gấp rút thực hiện các biện pháp để hoàn tất việc lập danh sách, thống nhất mức bồi thường cho các đối tượng để tiền bồi thường sớm được chi trả cho người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.
Còn băn khoăn
Việc Chính phủ ban hành Quyết định 1880, quy định cụ thể về định mức bồi thường được ngư dân đồng tình. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, thời gian bồi thường chỉ trong 6 tháng là quá ngắn. Ông Võ Văn An (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chủ tàu cá QB 93694 TS, cho rằng giờ đã bước sang tháng 10, cá đánh được rất ít, hải sản vẫn đóng băng. Theo ông An, nếu chỉ bồi thường trong 6 tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 thì vẫn không bù đắp được thiệt hại mà người dân đang và sẽ còn gánh chịu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cũng đặt ra nhiều băn khoăn: “Từ tháng 10 trở đi, ngư dân đánh bắt gần bờ sẽ xoay trở ra sao khi chưa được phép khai thác thủy hải sản, bởi những vùng biển vẫn chưa xác định an toàn? Đó là chưa nói sau sự cố môi trường biển, sản lượng hải sản đã kiệt quệ không biết khi nào mới phục hồi, còn tàu khai thác xa bờ thì bán không được vì dân chưa dám ăn cá”.
Bình luận (0)