Ảnh: TẤN THẠNH
Xa rồi quá khứ “đen tối”
Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết dù đã qua gần chục năm nhưng “ấn tượng” về một dòng kênh đen đặc, hôi thối vẫn còn in đậm trong ký ức ông. “Nhiều căn nhà chẳng ra nhà vì chỉ che chắn tạm bợ bằng những tấm nhựa, chúng tôi cũng không nhận ra đâu là con kênh vì dòng chảy đã bị tắc nghẽn và có nơi chỉ cần một bước là có thể qua được bờ bên kia” - ông Thuận kể.
Bây giờ, những hình ảnh nhếch nhác ấy đã biến mất, thay vào đó là hàng cừ bê tông và dãy lan can đều tăm tắp; cây xanh, hoa cỏ khoe sắc uốn lượn theo dòng kênh. Phóng tầm mắt nhìn ra hàng liễu rủ ven kênh, ông Nguyễn Duy Khang, người sống dọc kênh từ thập niên 70, cười vui: “Bây giờ thì dòng kênh rất đẹp. Ai ở đây cũng hài lòng vì không còn phải chịu cảnh dơ bẩn và hôi hám như xưa”. Chiều chiều, mọi người kéo nhau ra thả bộ dọc kênh để hóng mát, tạo thành phong trào tập thể dục. Đêm đêm, hàng cây nguyệt quế tỏa hương thơm ngát, bay vào tận phòng ngủ - những điều mà trước đây rất nhiều người chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành hiện thực.
Khoác áo mới cho đô thị
Thấy được thành công này, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng ý ký hiệp định vay vốn với UBND TP để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, tức dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong suốt 9 năm thi công đầy khó khăn (2003-2012), dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã từng bước chuyển mình đẹp hơn qua từng ngày.
Chủ tịch UBND TPHCM, ông Lê Hoàng Quân, nhìn nhận việc thực hiện thành công dự án giúp cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng sống cho hơn 1,2 triệu dân trên 7 quận (1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp), góp phần thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp và tổ chức tốt việc tái định cư người dân tại khu vực này.
“Khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây là khu vực ô nhiễm nghiêm trọng, nhà cửa lụp xụp, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Hôm nay, dòng kênh đã sạch trong, đường sá khang trang, nhà cửa ngăn nắp, trật tự thực sự đã được khoác chiếc áo mới đầy ý nghĩa” - nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài nhận xét.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, khi dự lễ khánh thành dự án cũng chia sẻ rằng WB rất vui mừng vì đã cùng chính quyền TP góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân tại trung tâm đô thị, đồng thời khẳng định WB sẽ tiếp tục tài trợ giai đoạn tiếp theo của dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Góp phần chống ngập đáng kể Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết ngoài việc chỉnh trang dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án còn góp phần chống ngập cho các quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh (rộng 33 km2), đồng thời thu gom toàn bộ nước thải, nước mưa thông qua hệ thống cống bao nằm dọc kênh, sau đó đưa về trạm bơm để lược rác, pha loãng và đổ ra sông Sài Gòn. Tổng vốn của dự án khoảng 8.600 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA từ WB là 5.252 tỉ đồng. “Những tuyến đường đã được lắp đặt cống thoát nước của dự án và các khu vực chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ không còn bị ngập mỗi khi triều cường hay mưa to. Trên các tuyến đường dự án đi qua, nếu có ngập thì cũng ít và nước sẽ rút hết trong khoảng 1 giờ” - ông Phan Châu Thuận khẳng định. |
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-4
Kỳ tới: Hiệu quả bình ổn giá
Bình luận (0)