xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Giải mật" sau 20 năm: Những “cầu nối” từ Mỹ tới Việt Nam

DƯƠNG NGỌC

Những người góp công lớn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ lại chính là các chính trị gia từng tham chiến tại Việt Nam: John McCain và John Kerry

 

img

 

Sau hơn 20 năm, Thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry vẫn tâm huyết thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Trải qua bao thời kỳ khó khăn, bị những người bảo thủ chống đối, chỉ trích nhưng các ông vẫn kiên định trong quan hệ với Việt Nam.

Trở lại để giúp đỡ Việt Nam

Cả ông John McCain và John Kerry đều là những cựu binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam. Thiếu tá phi công hải quân John McCain từng điều khiển máy bay ném bom 23 lần. Trong lần ném bom trên bầu trời Hà Nội vào tháng 10-1967, máy bay do ông điều khiển bị bắn rơi. Ông bị bắt sau khi bung dù rơi xuống hồ Trúc Bạch và trở thành tù binh chiến tranh trong hơn 5 năm, được trả tự do vào tháng 5-1973 sau Hiệp định Paris.

Sau đó, McCain tiếp tục phục vụ trong quân ngũ nhưng suy nghĩ và quan điểm về chiến tranh của ông đã thay đổi. Giải ngũ năm 1981, ông McCain tham gia chính trường, được bầu vào hạ viện sau 1 năm và đến năm 1986 vào thượng viện. Từng 2 lần tham gia tranh cử tổng thống, ông McCain hiện là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

 

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain gặp gỡ sinh viên tại TP HCM hôm 29-5 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain gặp gỡ sinh viên tại TP HCM hôm 29-5 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

Còn Thượng nghị sĩ John Kerry (hiện là Ngoại trưởng Mỹ) từng tham chiến tại Việt Nam năm 1969 trong vòng 4 tháng với nhiệm vụ chỉ huy tàu tuần tra trên các kênh rạch ĐBSCL. Trở về Mỹ sau thời gian ở Việt Nam, ông tham gia phong trào phản chiến, là phát ngôn viên của Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ phản chiến trong những năm 1970.

Trở thành chính trị gia sau khi rời quân ngũ, cả ông McCain và ông Kerry đều luôn tìm cách thúc đẩy bình thường hóa (BTH) quan hệ với Việt Nam. Cả hai không ngừng vận động các chính quyền Mỹ vì theo ông McCain, “đã đến lúc hàn gắn... Đó là một cách để kết thúc chiến tranh, đến lúc nhìn về phía trước”, vì lợi ích quốc gia của Mỹ.

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình này, 2 ông hối thúc 2 bên khởi động các vấn đề nhân đạo như rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh…

Là thành viên Ủy ban Thượng viện đặc trách về vấn đề tù binh và mất tích giai đoạn 1991-1993, nhờ sự vận động hết mình của các thượng nghị sĩ John McCain (Đảng Cộng hòa), John Kerry (Đảng Dân chủ) và Tổng thống Bill Clinton, cả 2 chính đảng chi phối chính trường Mỹ dần ủng hộ BTH quan hệ với Việt Nam. Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do 2 ông bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế chống Việt Nam, dọn đường cho việc BTH quan hệ 2 nước 1 năm sau đó.

“Cứu tinh” vào phút chót

Từng làm việc nhiều với 2 nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Mỹ, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ - ông Lê Văn Bàng - kể: Hai ông McCain và Kerry đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích, chống đối từ phía những người bảo thủ. Có lần, trong một cuộc chiêu đãi nhân sự kiện một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Mỹ, ông McCain còn bị một cựu binh đứng lên hắt cả cốc rượu vào người. Tuy nhiên, ông rất bình tĩnh, thản nhiên.

 

Ngoại trưởng John Kerry đến thăm Hà Nội năm 1992  (Ảnh do Đại sứ Lê Văn Bàng cung cấp)
Ngoại trưởng John Kerry đến thăm Hà Nội năm 1992 (Ảnh do Đại sứ Lê Văn Bàng cung cấp)

 

Năm 1989, Mỹ thẳng thừng từ chối không cho Việt Nam lập văn phòng MIA ở Washington để nhận thông tin, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm lính Mỹ mất tích. Lãnh đạo Việt Nam phản ứng, tuyên bố cũng không lập văn phòng tìm kiếm MIA ở Hà Nội. Điều này như gáo nước lạnh dội lên quan hệ vừa chớm nồng ấm của 2 nước, tiến trình đàm phán vì thế cũng rơi vào bế tắc. Lúc đó, một mặt ông McCain đứng ra thông báo, gặp gỡ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; mặt khác, ông cố gắng tìm cách thuyết phục dư luận Mỹ, nghị viện Mỹ vốn rất khó khăn trong vấn đề này.

Sau khi 2 nước BTH, vào những thời điểm then chốt, ông McCain với vị thế chính trị của mình đã trở thành cứu tinh cho Việt Nam. Cuối năm 2001, nước Mỹ vừa trải qua vụ tấn công khủng bố 11-9. Khi ông Lê Văn Bàng sang Washington làm tiền trạm tổ chức chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Thương mại Vũ Khoan sang trao đổi công hàm để Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực thì không thể đặt lịch làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ do cả nước Mỹ đang tập trung chống khủng bố.

Ông McCain đã gọi điện trực tiếp cho Ngoại trưởng Colin Powell dàn xếp và chuyến làm việc diễn ra suôn sẻ, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực từ ngày 10-12-2001. Còn theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Phó trưởng Đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế - thương mại, khi quá trình đàm phán với Mỹ để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bế tắc vào tháng 5-2006, nhờ những cú điện thoại từ 2 văn phòng thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain tới Bộ Thương mại Mỹ mà đàm phán được nối lại và cuối cùng đã đạt được thỏa thuận. Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1-2007.

 

“Ngoại trưởng John Kerry khi chỉ định tôi làm đại sứ tại Việt Nam, ông đã nói: “Này Ted, anh đã quay trở lại ngôi nhà của tôi!” - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói.

 

Kỳ tới: Nồng ấm hơn bao giờ hết

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo