Bên cạnh những giải pháp lớn được UBND TPHCM ban hành nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn, nhiều giải pháp khác được các quận, huyện và Sở GTVT áp dụng thời gian qua cũng góp phần ổn định tình hình giao thông, tạo thuận lợi cho người đi đường.
Bảng điện tử thông báo tình hình giao thông được lắp đặt trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận
Ảnh: TẤN THẠNH
Bảng báo thông minh
Một giải pháp được đánh giá tốt vừa được áp dụng trước Tết Quý Tỵ là lắp các bảng quang báo điện tử thông báo tình hình giao thông. Đây là giải pháp được Sở GTVT phối hợp với kênh VOV giao thông 91 MHz (Đài Tiếng nói Việt Nam) và Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ cao FPT thực hiện. Giải pháp này được xem là tiền đề cho việc triển khai hệ thống giao thông thông minh của TPHCM trong thời gian tới.
Đến nay, Sở GTVT lắp đặt 14 bảng quang báo điện tử tại các trục đường chính như ngã tư An Sương, cảng Phú Định, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, đường Kinh Dương Vương, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Sỹ, Phan Đình Phùng, Quang Trung, đường hầm vượt sông Sài Gòn, ngã sáu Nguyễn Tri Phương, ngã tư Bảy Hiền, Quốc lộ 1, sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay Cây Gõ, vòng xoay Lăng Cha Cả...
Theo Sở GTVT, sau khi kết thúc thí điểm (tháng 4-2013), đơn vị này sẽ cân nhắc hiệu quả để quyết định có đầu tư tiếp hay không. Hiện nay, tuy vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm nhưng bảng quang báo đã phát huy tác dụng khi thông báo tức thời tình hình giao thông trong khu vực cho người dân để họ lựa chọn hướng di chuyển hợp lý, tránh được ùn tắc giao thông.
Bảng báo hoạt động theo nguyên tắc: Các thông tin giao thông do VOV giao thông cung cấp sẽ được đưa lên hệ thống bảng quang báo điện tử dựa trên giải pháp công nghệ thông minh. Các thông tin này sẽ được mã hóa và xử lý thành hình ảnh, màu sắc để cập nhật tức thời trên bảng báo: màu xanh lá cây là đường đang thông thoáng; màu vàng là đường đang đông xe và màu đỏ là đường đang kẹt xe. Dựa trên thông tin này, người dân lựa chọn lộ trình thích hợp nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Phân lại làn xe, trộn dòng phương tiện
Thông thường, mặt đường mỗi bên được chia thành 2 làn xe, 1 làn dành cho xe máy, 1 làn dành cho ô tô. Vào giờ cao điểm, lượng xe máy rất nhiều và di chuyển khó khăn trong khi ô tô chỉ lèo tèo vài chiếc. Nhận thấy điểm bất hợp lý này, Sở GTVT đã tiến hành phân bố và điều chỉnh lại chiều rộng làn xe.
Trên mỗi chiều lưu thông, tùy theo chiều rộng hiện có (khoảng 8 m - 9 m), mặt đường sẽ được chia thành 1 làn ô tô rộng 3 m (sẽ là 3,25 m nếu mặt đường rộng 9 m), 1 làn xe hỗn hợp dành cho ô tô lẫn xe máy rộng 3 m, phần đường còn lại rộng 2 m dành cho xe máy. Khi lượng xe máy đổ về quá nhiều thì làn xe hỗn hợp sẽ được tận dụng cho xe máy lưu thông.
“Như vậy, mặt đường được tận dụng triệt để và hiệu quả hơn, tăng thêm năng lực thoát xe. Thực tế cho thấy qua một thời gian thực hiện, tình hình giao thông trên một số tuyến đường đã ổn định hơn” - đại diện Sở GTVT nhận định.
Tính đến nay, Sở GTVT đã tiến hành phân bố lại làn xe trên 25 tuyến đường, chủ yếu ở khu vực trung tâm TP và các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao, như: Đinh Tiên Hoàng, Lý Chính Thắng, Trần Phú, Hồng Bàng, Hùng Vương, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Lê Thánh Tôn, Trường Chinh, Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai...
Một giải pháp nữa cũng đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông tại các giao lộ là trộn dòng phương tiện. Theo Sở GTVT, giải pháp này sẽ giúp giảm xung đột giữa dòng xe rẽ trái, rẽ phải và dòng xe đi thẳng. Cách giao lộ 100 m, người đi xe máy nếu muốn rẽ trái có thể cho xe đi chậm hòa vào dòng ô tô để rẽ trái ngay khi đèn xanh bật lên.
Điều này tạo sự thuận lợi cho người dân khi di chuyển và giảm hẳn giao cắt, đặc biệt giữa dòng xe rẽ trái và đi thẳng. Sau khi khảo sát, đến nay Sở GTVT cho trộn dòng phương tiện trên 19 tuyến đường, gồm: Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Lê Thánh Tôn, Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Trường Chinh, Quốc lộ 13, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Đinh Tiên Hoàng, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai.
Vào hẻm né kẹt xe
Một giải pháp rất hiệu quả cũng đã được tiến hành là né kẹt xe bằng đường hẻm. Đây là giải pháp được Quận đoàn quận 10 thực hiện đầu tiên và phát huy hiệu quả hết sức tích cực, sau đó được các quận khác học hỏi theo như quận Phú Nhuận, Tân Bình. Đến nay, người dân vẫn có thể thấy các bảng chỉ dẫn di chuyển từ đường này sang đường khác bằng các con hẻm trên những tuyến đường ở quận 10 như: Thành Thái, Tô Hiến Thành, Ba Tháng Hai, Sư Vạn Hạnh, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Thường Kiệt...
|
Bình luận (0)