xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gian nan vào đời

Bài và ảnh: ANH THƯ

Học nghề đã khó, để tìm được một chỗ làm khi đã có nghề đối với người khiếm thính cũng lắm đắng cay

Để giao tiếp được với cô gái khiếm thính Trần Thị Phương Thảo, học viên lớp săn sóc thẩm mỹ Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật Sở LĐ-TB-XH TPHCM, chúng tôi phải dùng đủ cách: viết, múa máy chân tay, tìm những đồ vật tương ứng để giải thích... Cô khoe: “Thảo còn học nghề làm móng nữa, sau Tết là xong”. Tuy nhiên, Thảo cho biết cô vẫn chưa tìm được chỗ làm dù tay nghề hiện đã rất khá.


Việc làm: Khung cửa hẹp


Các tiệm làm móng gần nhà không chịu nhận Thảo cũng vì khiếm khuyết của cô. “Người ta nói Thảo viết thì khó hiểu, lại không nghe được khách yêu cầu gì nên không cho làm” – cô gái khiếm thính diễn đạt với vẻ mặt buồn hiu. Trước khi chia tay chúng tôi, Thảo không quên nhờ hỏi giúp một chỗ làm.

Thảo cố giải thích rằng chỉ cần khách chỉ vào catalogue là cô có thể làm theo được loại móng như ý họ; rằng cô chỉ không nghe được chứ những việc khác đều có thể làm như người bình thường...


Nguyễn Háo Mẫn, 21 tuổi, nhà ở quận 3 – TPHCM, cho biết anh từng học qua nghề may, thêu và đã đi xin việc ở nhiều công ty nhưng không nơi nào chịu nhận một người khiếm thính. Mới đây, Mẫn được một cơ sở xếp giấy dán tranh nhỏ ở quận 3 nhận vào làm nhưng lương cũng không trang trải nổi chi phí sinh hoạt vì mặt hàng này hiện bán không chạy.

img
Các công nhân khiếm thính tại Công ty Cổ phần May in lụa Ngọc Phước


Mẫn ngậm ngùi: “Nghề may, nghề thêu tôi phải cố công mới học được thì đành phải để đó. Bạn bè khiếm thính học nghề chung với tôi cũng gặp cảnh tương tự. Dù có tay nghề, người khiếm thính cũng khó tìm được công việc ổn định, phù hợp với chuyên môn”.


Ông Trần Văn Bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, nhìn nhận: “Với người khiếm thính, giai đoạn làm quen với công việc cũng đã rất khó khăn vì họ không thể nghe người khác chỉ bảo được. Do đó, nhiều doanh nghiệp ngại nhận những người này, dù họ vẫn có thể làm tốt một số công việc đơn giản”.


Trong khi đó, ông Mã Hoàng Lê, giám đốc trung tâm, cho rằng để hòa nhập, trước hết người khiếm thính phải có ý thực tự lập, vươn lên. “Họ không được ỷ lại vào sự khiếm khuyết để được ưu tiên mà phải cố gắng học hỏi gấp nhiều lần người thường.

Việc cố gắng học tập, rèn luyện để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ cũng giúp họ dễ dàng hơn trong giao tiếp, cơ hội có việc làm sẽ cao hơn. Trên thực tế, không ít người đã vượt qua được khó khăn ban đầu và tìm được công việc ổn định” - ông Lê nói.


Kiên trì ắt thành công


Thái Hoàng Quân nở nụ cười tươi khi chúng tôi hỏi về công việc tiếp tân anh đang làm ở Công ty CP May in lụa Ngọc Phước (quận 12-TPHCM). Quân cho biết anh cũng không ngờ có ngày mình lại được nhận vào làm một công việc rất cần đến giao tiếp như thế này.

“Tôi đã từng xin đi làm công nhân ở nhiều nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu chỉ vì tôi là người khiếm thính” - Quân xót xa khi nhớ lại khoảng thời gian tìm việc lắm đắng cay của mình.


Quân là một trong những tấm gương của các bạn khiếm thính đồng trang lứa. Quân lớn lên trong khoảng thời gian mà hình thức can thiệp sớm hầu như không có và xã hội vẫn chưa quan tâm nhiều đến trẻ khiếm thính như hiện nay.
Mới vài năm trước, khả năng giao tiếp của Quân rất yếu. Anh rất khó khăn khi biểu đạt ý của mình muốn nói với người bình thường. Nhờ kiên trì học tập, đọc sách báo, học cách giao tiếp, đến nay Quân đã có thể tự tin tiếp bất kỳ người khách nào đến công ty.


Ông Võ Ân Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May in lụa Ngọc Phước, chia sẻ: “Quân rất thông minh và ham học hỏi nên đã cải thiện được kỹ năng ngôn ngữ gần như người thường, có thể trao đổi thoải mái qua giấy viết. Qua hình ảnh của cậu tiếp tân này, tôi muốn mọi người nên có cái nhìn tích cực hơn về người khiếm thính”.


Hiện nay, Quân còn theo học tại Trường Trung cấp Nghề Ngọc Phước, một đơn vị trực thuộc Công ty Ngọc Phước, với mong muốn vươn lên vị trí cao hơn, tăng thu nhập để nuôi cô em gái đang học phổ thông.


Công ty Ngọc Phước có hơn 40 công nhân khuyết tật, trong đó quá nửa là người khiếm thính. “Trò chuyện” với ba cô công nhân cùng quê Tiền Giang: Nguyễn Thị Kha Huyền, Trần Thị Thùy Dương, Lê Thị Bích Liên, làm ở xưởng may, chúng tôi được biết lương tháng của mỗi người từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng.

Kha Huyền tâm sự: “Tụi em được hỗ trợ học nghề và ăn ở miễn phí. Công việc ở đây rất có ý nghĩa, tụi em như tìm được cuộc sống mới. Tụi em thấy mình phần nào đã được hòa nhập cộng đồng, được làm việc và được đối xử như những người bình thường”.


Tại một số doanh nghiệp khác ở TPHCM, như Công ty Tranh cát Vạn Thiên Sa (quận Bình Tân), Công ty May Minh Châu (quận Bình Tân), Công ty Bảo Chung (quận 3)..., nhiều công nhân khiếm thính cũng đã tìm được việc làm ổn định và lặng thầm đóng góp cho đời.

Vất vả mưu sinh

Gần 20 năm trước, sau một cơn biến chứng, cô Lê Thị Thu Sương mất khả năng nói khi đang là giáo viên Trường Tiểu học Lý Nhơn, quận 4 - TPHCM. Từ đó, cô phải kiếm sống bằng công việc quét dọn vệ sinh.

Rồi, cô học ngôn ngữ ký hiệu để dạy lại cho người khiếm thính. Niềm vui của cô Sương hiện giờ là được đứng trên lớp dạy cho những học trò đặc biệt của mình với tinh thần hoàn toàn tự nguyện vào chủ nhật hằng tuần, tại lớp học của CLB Khiếm thính TPHCM ở Trường Tiểu học Lý Nhơn.

Những ngày khác, cô Sương cũng như các học trò phải bôn ba vất vả mưu sinh. Cô giáo vẫn quét dọn tại một công ty, học trò thì làm đủ nghề: phụ hồ, khuân vác, buôn bán...


Trong lớp của cô Sương, Đoàn Phạm Khiêm được bầu là thành viên ưu tú. Anh đã nhận được khá nhiều học bổng dành cho người khuyết tật. Khiêm thổ lộ: “Nhà có hai mẹ con, rất nghèo, Khiêm lại bệnh tật nên luôn phấn đấu hết mình để được đi học bằng học bổng”.

Khiêm đã phấn đấu hết mình để vượt qua nghịch cảnh vì nỗi trăn trở “Người câm điếc thì có thể làm được gì?”. Đó cũng chính là động lực thôi thúc anh phải học, phải làm được những gì mà người thường làm được. Khiêm được chọn học chương trình ngôn ngữ dành cho người khiếm thính của Trường ĐH Gallaute - Mỹ, rồi làm giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai. Kỳ thi ĐH vừa qua, chàng trai khiếm thính này đã thi đỗ vào Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM.

T.Quyên


Kỳ tới: Hòa nhập với cộng đồng
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo