Nhìn bé Ngọc Hoa, học sinh Trường Khuyết tật Chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp – TPHCM, cứ dùng hai tay múa may, liên tục đưa lên chỉ xuống, cô giáo Bùi Thị Hường bối rối không biết em muốn diễn tả điều gì. Ánh mắt cô chăm chú dõi theo Ngọc Hoa nhưng rồi lắc đầu tỏ vẻ bất lực.
Để hiểu được trẻ khiếm thính, giáo viên phải vừa dạy vừa học hỏi từ chính các em. Ảnh: P.Anh
Phải thật kiên nhẫn
Nghe chúng tôi thắc mắc, cô Hường thổ lộ: “Những giáo viên dạy người khiếm thính như chúng tôi gặp tình cảnh này hoài. Những lúc như thế tôi thấy nản lắm, một phần vì mình không hiểu các em. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi nản hơn là vì các em sẽ rất buồn khi cô giáo không hiểu những gì chúng muốn diễn đạt. Vì vậy, tôi luôn cố gắng quan sát, lắng nghe và học hỏi ở các em. Mang tiếng đi dạy nhưng thật ra chúng tôi vừa dạy vừa học ở học trò của mình!”.
Cô Trương Thị Đạt, giáo viên Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật quận 4 - TPHCM, cho biết để có thể dạy trẻ khiếm thính, trước hết phải hiểu được các em muốn diễn đạt điều gì. Trẻ khiếm thính không thể nghe được nên tất cả mọi giao tiếp đều phải dùng ngôn ngữ ký hiệu, mà việc dạy ngôn ngữ này cho các em không hề đơn giản.
Thông thường, trẻ khiếm thính bắt đầu đến trường khi đã lớn. Trước đó, các em đã có thời gian giao tiếp với người thân bằng ngôn ngữ ký hiệu riêng, không theo quy chuẩn nào, thật ra chỉ là dấu hiệu. Do vậy, khi đến trường, các em thường lúng túng khi giao tiếp với thầy cô.
“Nhiều khi thầy cô không hiểu được trẻ muốn “nói” gì nên trước khi dạy ngôn ngữ ký hiệu, chúng tôi phải học hỏi những ký hiệu mà các em sử dụng riêng để hiểu và chỉnh sửa từng em cho chính xác. Công việc này yêu cầu giáo viên phải thật sự kiên nhẫn và hiểu tâm lý của trẻ mới có hiệu quả”- cô Đạt nhìn nhận.
Vì vậy, cô Đạt đã tham gia nhiều khóa bồi dưỡng về tâm lý trẻ khiếm thính và luôn cố gắng quan sát để hiểu được thói quen dùng ngôn ngữ ký hiệu ở nhà của từng em.
Yêu thương để nhẫn nại
Qua cách cô Vũ Thị Phương Ngọc, giáo viên Trường Khuyết tật Chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp, giúp trẻ khiếm thính giao tiếp, chúng tôi thấy được một sự nhẫn nại không giới hạn. Một, hai, ba... lần, cô vẫn kiên trì diễn đạt từ, ý nào đó trước khuôn mặt ngơ ngác của học trò.
“Những lúc như vậy, tôi phải thật bình tĩnh, bởi đó không phải lỗi của trẻ. Nói cho cùng, không yêu thương các em thì khó mà nhẫn nại được”- cô Ngọc tâm sự.
Để dạy tốt, các thầy cô còn phải hiểu cá tính từng học trò. Mỗi em phải có một cách dạy khác nhau. Khi bị khuyết tật, tâm lý trẻ hay có biểu hiện khác thường, chỉ cần hơi nặng lời là sẽ tự ái và bỏ học.
Cô Ngọc kể: “Cách đây vài hôm, một học sinh bị chị la mắng nên bỏ nhà ra đi. Cha mẹ nói sao em cũng không chịu về, mãi đến khi tôi khuyên bảo mới xong. Đôi lúc vì cuộc sống khó khăn, cha mẹ đành cho các em nghỉ học. Tôi phải đến tận nhà vận động để các em được đi học lại. Khuyết tật đã là một thiệt thòi nên phải cố gắng để các em được đến trường”.
Ước mơ tự lập Tại lớp cắt uốn tóc của thầy Lâm Phú Vinh ở trung tâm, Lê Nguyễn Tường Anh, 17 tuổi, nắn nót viết câu trả lời lý do học nghề mà chúng tôi hỏi: “Muốn làm đẹp cho mọi người”. Tường Anh đã theo học lớp này 6 tháng.
Lý do khiến cô Trương Thị Đạt gắn bó với trẻ khiếm thính suốt 20 năm nay cũng chính từ sự thương yêu trẻ khuyết tật. Chúng tôi biết cô Đạt thông thạo tiếng Anh, từng làm nhiều công việc với mức lương rất cao. Vậy mà khi dạy trẻ khiếm thính với mức lương dưới 1 triệu đồng/tháng, cô vẫn chấp nhận – nói như cô là “không thể bỏ được”.
“Dù khi giao tiếp, chúng tôi dùng ngôn ngữ ký hiệu là chính, không thể diễn đạt hết ý nhưng ngày nào không gặp mặt và “trò chuyện” với học trò, ngày đó tôi thấy bứt rứt không yên” - cô Đạt bộc bạch. Có lẽ đã quá quen với việc dùng ngôn ngữ ký hiệu nên khi trao đổi với chúng tôi, cô Đạt cứ vừa nói vừa múa máy tay chân.
Lớp săn sóc thẩm mỹ tại Trung tâm Bảo trợ - dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (Sở LĐ-TB-XH TPHCM) do cô Lê Thị Kim Trinh giảng dạy có 5 cô gái khiếm thính theo học.
“Vy, họ Đặng Thúy, nhà Gò Vấp, làm phở, cực mẹ, học sau này phụ mẹ tiền đi làm ” - một cô gái khiếm thính giới thiệu bằng cách viết một câu khiến chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
Cô Trinh giải thích: “Câu này phải hiểu là: “Em tên Đặng Thúy Vy, nhà ở Gò Vấp, mẹ bán phở cực lắm. Em muốn học để sau này đi làm kiếm tiền phụ mẹ”. Người khiếm thính dùng trật tự biểu đạt ý nghĩa của ngôn ngữ ký hiệu để viết nên người thường hơi khó hiểu. Vì thế, khi dạy, chúng tôi phải chọn những từ đơn giản và diễn đạt theo kiểu ngôn ngữ ký hiệu, các em mới hiểu”.
Nhờ trợ giúp của cô Trinh, chúng tôi cũng trao đổi được với Thúy Vy. Vy cho biết cô 16 tuổi, gia đình khá giả nhưng vì muốn tự lập nên đã đi học nghề.
“Dù biết đi làm nghề này có thể thu nhập không bằng tiệm phở của cha mẹ nhưng nếu em tự lập được, cha mẹ sẽ yên tâm hơn. Em cũng không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình” - Vy “nói”.
“Em mơ ước mai này sẽ có được một hiệu làm tóc riêng để gia đình yên tâm. Em biết rất khó nhưng sẽ cố gắng” - Tường Anh diễn đạt.
Cô gái khiếm thính tên Thư tiếp chuyện: “Em học cả cắt tóc nữ và chăm sóc thẩm mỹ rồi đi làm, không thể để cha mẹ nuôi mãi”.
Thầy Vinh cho biết việc học nghề của người khiếm thính rất gian nan, mỗi bài học phải lâu gấp đôi người thường. Không nghe giảng được nên việc giao tiếp giữa thầy trò càng khó khăn.
“Để khắc phục, tôi soạn một giáo án riêng cho học viên khiếm thính, dài gấp 6-7 lần giáo án thường với nhiều hình vẽ, giải thích. Tôi cũng phải học ngôn ngữ ký hiệu từ học trò để phục vụ công việc của mình và hiện đã khá thông thạo” – thầy Vinh cho biết.
Kỳ tới: Gian nan vào đời
Bình luận (0)