Những năm gần đây, những người khiếm thính ở VN bước đầu có được sự quan tâm của cộng đồng. Ngành sư phạm giáo dục trẻ khiếm thính đã được đưa vào chương trình đào tạo chính quy ở một số trường CĐ, ĐH.
Tính đến năm 2009, cả nước có 7 trường ĐH, CĐ tuyển sinh vào ngành học này, song thời lượng dạy thủ ngữ còn rất hạn chế.
Một buổi sinh hoạt tại CLB Người khiếm thính TPHCM. Ảnh: P.Thanh
Quan tâm nhưng chưa đủ
Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hay ĐH Sư phạm TPHCM, trong suốt quá trình đào tạo, sinh viên chỉ được học một học phần sử dụng thủ ngữ (45 tiết), chủ yếu về lý thuyết và các ký hiệu cơ bản. Để giao tiếp được với người khiếm thính, sinh viên phải tự học thêm.
Cô Bùi Thị Hường, giáo viên Trường Chuyên biệt Hy Vọng, quận Gò Vấp - TPHCM, từng học Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Lúc mới ra trường, tôi giao tiếp với trẻ khiếm thính rất khó khăn vì vốn liếng thủ ngữ học được quá ít ỏi. Bởi vậy, tôi phải học thủ ngữ từ các em”.
Lĩnh vực truyền thông cũng đã chú ý phục vụ khán giả khiếm thính, như chương trình thời sự trên VTV2 - ngoài ngôn ngữ nói còn cho chạy chữ phía dưới để người khiếm thính có thể theo dõi nhưng không hiệu quả lắm, vì hơi nhanh.
“Người khiếm thính hiện chưa đủ trình độ để hiểu hết các từ ngữ trong tin tức”- bà Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Hy vọng 1 - TPHCM, sáng lập viên hệ thống trường khuyết tật Hy Vọng, nhận định.
Tháng 8-2008, chương trình Nhật ký O2 của kênh truyền hình O2TV thuộc truyền hình cáp VN bắt đầu phát sóng. Đây là chương trình truyền hình đầu tiên ở VN sử dụng kết hợp ngôn ngữ nói với thủ ngữ.
Tuy nhiên, đến nay, chương trình vẫn chưa thu hút được đông đảo người khiếm thính. Hỏi thăm ở các trường học, trung tâm dạy nghề..., chúng tôi được biết hầu hết người khiếm thính ở đây không biết có chương trình này.
“Nhật ký O2 là chương trình truyền hình cáp, có thu phí mà phần lớn gia đình người khiếm thính thuộc diện nghèo nên không có khả năng tiếp cận. Mặt khác, nội dung chương trình còn quá khó hiểu. Ngay như tôi cũng chỉ hiểu được 50%-60% nội dung chương trình nếu chỉ nhìn vào MC dùng thủ ngữ” - cô Bùi Thị Hường nhận xét.
Cần chuẩn hóa thủ ngữ
Mới đây, TAND quận 5- TPHCM đã mở một phiên tòa đặc biệt vì cả bị cáo lẫn bị hại đều giao tiếp bằng thủ ngữ. Dù có người phiên dịch song khó khăn lắm, phiên tòa mới có thể kết thúc.
Vấn đề được đặt ra sau phiên tòa này là thủ ngữ, một hệ thống ngôn ngữ tồn tại song song với ngôn ngữ nói, còn nhiều nhược điểm và ít người biết. Điều này khiến việc hòa nhập của người khiếm thính với cộng đồng còn lắm truân chuyên.
Năm 2005, cuốn từ điển điện tử đầu tiên về ký hiệu giao tiếp cho người khiếm thính VSDIC của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm TPHCM ra đời. VSDIC tổng hợp được 3.900 từ ngữ ký hiệu thông dụng cả nước.
TS Cao Thị Xuân Mỹ, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu từ điển VSDIC, cho biết: “Từ điển này tổng hợp tất cả các kiểu thủ ngữ cả nước, giúp người khiếm thính khỏi lúng túng khi gặp nhiều kiểu diễn đạt”. Tuy nhiên, đây là từ điển tổng hợp nên vẫn chưa giải quyết được vấn đề mỗi nơi dùng thủ ngữ mỗi kiểu.
Những khó khăn trong giao tiếp với người khiếm thính xuất phát từ việc hệ thống thủ ngữ ở VN chưa hoàn chỉnh, còn thiếu thống nhất giữa các vùng miền.
TS Cao Thị Xuân Mỹ đề xuất: “Để việc dạy thủ ngữ được hiệu quả và giúp người khiếm thính dễ giao tiếp với nhau hơn, cần phải có một giáo trình chuẩn về thủ ngữ cho tất cả các trường. Ngoài ra, phụ huynh cần tạo điều kiện để các em được học thủ ngữ trước khi vào lớp 1”.
Chung tay chia sẻ
Là một người đã hơn 40 năm theo đuổi những hoạt động hướng về người khiếm thính, bà Trần Thị Ngời phân tích: “Về mặt y học, họ không có những khiếm khuyết về não bộ nhưng lại bị hạn chế về nhận thức do điều kiện khách quan là không nghe được.
Người khiếm thính trưởng thành thường thu mình vào thế giới riêng và ít nhiều có những cách ứng xử khác người thường”. Đây cũng là yếu tố làm cho họ rất khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng.
Bà Ngời nhận xét: “Trẻ khiếm thính bẩm sinh nên được can thiệp sớm để đỡ tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa. Dù vậy, cũng chỉ rút ngắn khoảng cách được một phần chứ chẳng thể nào giúp các em phát triển ngôn ngữ và nhận thức như người bình thường được”.
Trường Hy Vọng 1, nơi bà Ngời làm hiệu trưởng, lâu nay ăn nhờ ở đậu tại một dãy nhà của một nhà thờ. Ước mong lớn nhất của bà Ngời là được chính quyền và các tổ chức xã hội hỗ trợ mở rộng hệ thống trường Hy Vọng nhằm giúp đỡ nhiều hơn cho người khiếm thính vốn đang rất cần sự chung tay chia sẻ của cộng đồng để chặng đường vào đời của họ bớt gian nan.
Cũng xuất phát từ sự cảm thông, chia sẻ cùng người khiếm thính, năm 2001, CLB Người khiếm thính TPHCM ra đời, do chị Dương Phương Hạnh làm chủ nhiệm.
Chị Hạnh cho biết: “CLB không chỉ dạy văn hóa mà còn dạy kỹ năng sống, làm việc cho người khiếm thính. Hạn chế trong giao tiếp nên người khiếm thính bị đối xử thiệt thòi trong công việc. Khó khăn lớn nhất của CLB chúng tôi là không có mặt bằng để sinh hoạt nên không đủ chỗ cho tất cả thành viên đến tham gia. Ngoài ra, kinh phí, nguồn nhân lực cũng không đủ”.
Hiện nay, CLB Người khiếm thính TPHCM sinh hoạt định kỳ lúc 8 giờ chủ nhật hằng tuần ở Trường Tiểu học Lý Nhơn, quận 4 - TPHCM. “Nếu có hội người khiếm thính ở VN thì người khiếm thính sẽ được bảo vệ quyền lợi nhiều hơn”- chị Hạnh ao ước.
Bình luận (0)