Sáng 17-5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp cùng UBND các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Trà Vinh tổ chức lễ động thổ dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 30 và 53 trong sự phấn khởi của người dân địa phương.
Hóa giải bức xúc về tai nạn giao thông
QL 53 dài hơn 172 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Phạm vi của dự án nâng cấp, mở rộng dài 45 km, có điểm đầu tại Km 11+295 (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và điểm cuối tại Km 56+00 (cầu Ba Si, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), tốc độ thiết kế từ 60-80 km/giờ, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.222 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017.
Theo Bộ GTVT, QL 53 là trục ngang nối liền 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh với QL 1 và liên thông với các tỉnh khác thuộc ĐBSCL. Vì thế, lượng phương tiện lưu thông qua đây ngày một tăng trong khi chất lượng mặt đường ngày càng xuống cấp, lòng và lề đường hẹp nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra.
“QL 53 là tuyến đường huyết mạch. Vì vậy, các nhà thầu thi công phải nỗ lực hết mình, thi công bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng để phục vụ bà con nhân dân. UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh phải sớm triển khai việc bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lưu ý tại lễ động thổ.
Trong khi đó, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhìn nhận việc nâng cấp QL 53 không chỉ giảm ùn tắc giao thông, tai nạn mà còn giúp nhiều đoạn trên tuyến đường này thoát cảnh ngập trong mùa lũ.
Kết nối giao thương
QL 30 có điểm đầu tại Km 1+200 để kết nối với dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối thuộc địa phận TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng chiều dài của dự án gần 33 km. Theo thiết kế, QL 30 rộng 21 m với 4 làn xe và có vỉa hè. Trong đó, phần đi qua tỉnh Đồng Tháp được thiết kế với tốc độ 80 km/giờ và phần ở tỉnh Tiền Giang là 60 km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.130 tỉ đồng, cũng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) như dự án QL 53.
“Để bảo đảm công trình được thi công đúng tiến độ, các địa phương phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Chúng ta không thể chấp nhận một vài hộ dân cố tình không giao mặt bằng cho đơn vị thi công để đòi được đền bù giá cao theo ý riêng của mình. Theo kinh nghiệm của tôi, có đến 80% công trình bị chậm tiến độ vì khâu này. Do đó, các đoàn thể phải cùng chính quyền địa phương tích cực vận động người dân hiểu và đồng thuận” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Theo Ban Quản lý dự án 7, QL 30 không chỉ là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng của tỉnh Đồng Tháp để kết nối giao thương hàng hóa với các tỉnh Tiền Giang, Long An, TP HCM mà còn kết nối với tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Mỹ An - Cao Lãnh - Vàm Cống, tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, QL 1 để tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, thông suốt.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong năm 2017, nhiều dự án quan trọng như cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh… sẽ hoàn thành cùng với 2 tuyến quốc lộ trên, góp phần tạo ra một mạng lưới giao thông thông thoáng cho ĐBSCL.
Bình luận (0)