Ở vùng nắng gió tỉnh Ninh Thuận, Cà Ná (huyện Thuận Nam) là vùng sơn thủy hữu tình với bãi biển được xếp vào hàng “top ten” trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam và nước mắm nức tiếng thơm ngon. Nhưng không phải ai cũng biết Cà Ná còn là xã triệu phú nghề biển bởi tổng doanh thu hằng năm về nghề này lên đến hàng chục tỉ đồng và thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cà Ná cũng đang giữ danh hiệu xã giàu nhất tỉnh Ninh Thuận, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%.
Ngày càng khấm khá
Ông Trương Ngọc Luân, Bí thư Đảng ủy xã Cà Ná, cho biết trước đây, đời sống của người dân trong xã chỉ ở mức khá. Sau khi huyện ủy ban hành nghị quyết về phát triển đô thị biển Cà Ná, tốc độ tăng trưởng đã vượt bậc nhờ xác định kinh tế mũi nhọn là lĩnh vực thủy sản. Hiện toàn xã có gần 350 tàu thuyền (tổng công suất trên 50.000 CV).
Theo lão ngư Phạm Đứng, một trong những người đầu tiên ở Cà Ná cải tiến nghề đánh bắt cá cơm bằng kỹ thuật tiên tiến, trước đây, ngư dân của xã chủ yếu sống bằng các nghề vây rút chì, mành, câu mực... nên thu nhập rất thấp. Mấy năm qua, khi nghề này được cải tiến thì đời sống khá hẳn lên, thậm chí là giàu. Mỗi chuyến ra khơi trở về, nhiều tàu cập cảng với hàng chục tấn cá.
Theo ông Đứng, với định hướng đúng của Đảng bộ huyện, hàng trăm ngư dân Cà Ná đã trở thành triệu phú từ nghề khai thác hải sản và kinh doanh dịch vụ hậu cần. Nhiều ngư dân đã sở hữu những đoàn tàu trị giá hàng tỉ đồng.
Cà Ná hôm nay đã gần như một đô thị biển. Các lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ở đây đều gắn với nghề cá. Xã có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu; 11 cơ sở xuất khẩu hải sản khô; 40 cơ sở chế biến nước mắm; 10 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 3 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền và hàng chục xưởng cơ khí, cửa hàng kinh doanh ngư lưới cụ và các dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ cho 2 cảng cá có sức chứa 1.000 tàu thuyền.
Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam, cho biết theo chương trình phát triển đến năm 2020, Cà Ná sẽ có thêm nhiều khu dân cư mới với hoạt động thương mại, dịch vụ kèm theo.
Cú hích quan trọng
Vốn là xã nghèo nhưng mấy năm gần đây, Đông Phước A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) từng bước thay da đổi thịt nhờ thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, sự xuất hiện của cây mít được xem như một cú hích quan trọng. Hàng loạt căn nhà khang trang mọc lên bên những vườn mít trĩu quả.
Ông Lê Văn Út Anh (ngụ ấp Phước Hòa A) từ nghèo khó đã trở thành một nông dân sản xuất giỏi của xã. Ông nhớ khoảng năm 2009, gia đình khổ lắm, nợ triền miên. Năm 2010, chính quyền địa phương khuyến khích thay đổi mô hình trồng lúa và cam mật kém hiệu quả sang trồng mít. Ông mạnh dạn trồng mít trên một công đất. Ban đầu, gia đình và bà con lối xóm lo lắng.
Lứa thu hoạch đầu tiên, ông trúng đậm khi mít được thương lái thu mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Từ một công mít ban đầu, hiện ông đã có 7 công mít đều trĩu trái. Bà con lối xóm kéo đến học hỏi kinh nghiệm.
Theo một cán bộ nông nghiệp của huyện Châu Thành, việc chuyển đổi từ mô hình trồng cam, bưởi, lúa kém năng suất sang trồng mít ở Đông Phước A đã đem lại hiệu quả rất khả quan. Cây mít Thái cho trái quanh năm. Mỗi cây có thể mang về cho nhà nông trên 1 triệu đồng/năm.
Trồng mít không tốn công chăm sóc nhiều như các cây khác nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Do vậy, từ 1-2 hộ trồng ban đầu, nay Đông Phước A trở thành một trong những vựa mít lớn nhất của ĐBSCL. Toàn xã hiện có 846 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Trong đó, đa phần tập trung ở những hộ trồng mít.
Ông Bùi Thanh Trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A, cho biết để thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 7, xã đã thực hiện được 13/19 tiêu chí về xây dựng mô hình nông thôn mới, như: Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 20% xuống còn 6,8%; thu nhập bình quân trên đầu người đạt 26,5 triệu đồng/người/năm; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ đạt từ 107,5%-112,5% trong năm 2014; công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt gần 220%...
Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện nghị quyết là cơ cấu hạ tầng nông nghiệp - nông thôn đang được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện. Hệ thống giao thông, giao thông nội đồng, thủy lợi gắn kết với phát triển thủy sản cũng được thực hiện một cách đồng bộ.
Bình luận (0)