Có tuổi đời trên 200 năm, năm 1993, chùa Giác Viên (còn có tên là chùa Hố Đất, tọa lạc tại quận 11, TP HCM) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Thành “ốc đảo” vào mùa mưa
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng liệt ngôi cổ tự này vào danh sách di tích lịch sử - văn hóa cần trùng tu, tôn tạo khẩn cấp do xuống cấp trầm trọng. Tuy nhiên, sau gần 11 năm lên kế hoạch, khảo sát, dự án trùng tu chùa vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.
Sư trụ trì Huệ Thạnh cho biết từ hơn 10 năm trước, thế hệ trụ trì trước đã nhiều lần phản ánh tình hình, đề xuất trùng tu chùa Giác Viên. Nhiều lần cơ quan chức năng đến khảo sát nhưng chưa phản hồi về kế hoạch trùng tu, sửa chữa cụ thể. “Chính quyền cứ hẹn lần hẹn lữa, năm nay lại hứa sang năm sau. Nhà chùa cũng tham gia rất nhiều cuộc họp, hội nghị bàn về việc trùng tu, tôn tạo quang cảnh, kiến trúc của chùa. Đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết thêm thông tin gì về phương án cũng như thời điểm thi công, chỉ biết dự án chưa đủ kinh phí nên phải đợi đến năm 2016” - sư trụ trì Huệ Thạnh chán nản.
Theo sư trụ trì Huệ Thạnh, riêng dự án nạo vét, khơi thông con kênh cạnh chùa để thoát nước có kinh phí 2 tỉ đồng vẫn “chưa thấy tăm hơi” dù có kế hoạch từ tháng 5-2015.
Từ khi dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm thi công, chùa Giác Viên trở thành “ốc đảo” vào mùa mưa. Các tuyến đường và nhà dân xung quanh chùa đều nâng nền. Do nền thấp hơn nên nước mưa từ đường không có lối thoát, đổ hết vào chùa, kéo theo vô vàn chất thải... Chỉ cần một trận mưa nhỏ là nước ngập qua đầu gối, lênh láng tới tận chính điện. Những ngày trời mưa tầm tã, kéo dài, phải đợi đến hôm sau nước mới rút hết. Sau khi nước rút, tập thể nhà chùa lại bỏ công cả ngày để quét dọn. Cứ mỗi lần ngập, gạch nền bong tróc, các cột gỗ cổ mục dần vì ngâm nhiều trong nước bẩn. Cách đây 4 năm, gian nhà bếp của chùa đã sập hẳn, chỉ còn bức tường chắn mục nát phía ngoài. Nhà chùa phải gắn thông báo nguy hiểm, cấm lại gần để cảnh báo người dân. Để bảo tồn di tích, nhà chùa tự sửa chữa những chi tiết nhỏ, như: trám lại gạch nền tróc, thêm ngói trên mái nhằm hạn chế tình trạng dột nước. Những ngày ngập nước, người dân và tăng ni phật tử dù muốn vẫn không có cách nào vào chùa để thắp hương, tụng kinh niệm Phật.
Khởi công xong… để đó
Là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tình trạng của đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng không khá hơn.
Theo ông Hồ Văn Cụm, đại diện Ban Trị sự của đình Thông Tây Hội, tháng 5-2015, UBND TP HCM đã ban hành quyết định trùng tu đình với kinh phí hơn 3,5 tỉ đồng, giao Sở Văn hóa - Thể thao làm chủ đầu tư. Trước đó, năm 2013, TP đã rót 500 triệu đồng để tu sửa nhà túc của đình. Tuy nhiên, ban quản trị đình không đồng ý với phương án trùng tu. Do đó, dù làm lễ khởi công nhưng khâu thi công vẫn đình trệ cho đến nay. Ông Cụm giải thích: “Nhà túc là nơi sinh hoạt, hội họp mỗi khi có giỗ chạp, ngày hội. Vì thấp hơn các kiến trúc khác của đình nên khu nhà này thường xuyên ngập nước, dễ bị mối mọt, ẩm mốc, rong rêu. Đây là nguyên nhân chính khiến khu nhà tiêu điều như hiện nay. Chúng tôi mong muốn nâng nền nhà túc bằng với mặt sân để cải thiện thực trạng trên. Dù vậy, trong thiết kế lại không có việc nâng nền”.
Mọi năm, ban quản trị đình tổ chức họp mặt, chiêu đãi ở nhà túc vào rằm tháng tám. Năm nay, ban tổ chức phải dời địa điểm ra sân vì nhà túc có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Cũng như nhiều di tích khác, ban quản trị đình đã không ít lần làm đơn đề nghị bảo tồn, trùng tu. Ngoài nhà túc, khu chính điện của đình cũng hư hại từ nhiều năm trước. Năm 2014, phía mái bên trái chính điện đã sập xuống. Hằng năm, ban quản trị đình tự trám, sơn lại những chỗ bị phai màu, mục nát...
Kỳ tới: Chạy đua với thời gian
Bình luận (0)