Làng mộc Kim Bồng (tên cũ là Kim Bồng Châu; xã Cấm Kim, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Tồn tại hơn 500 năm, mộc Kim Bồng nổi tiếng khắp nơi với nhiều công trình kiến trúc độc đáo còn lưu giữ đến ngày nay.
Ba gian xưa còn đó
Từ phố cổ Hội An qua cầu Cẩm Kim là đến làng mộc Kim Bồng. Rẽ dọc, ngang những ngả đường đều bắt gặp các xưởng chạm khắc gỗ. Những tiếng đục khẽ khàng, máy khoan, máy tiện rộn ràng khiến khung cảnh làm việc ở đây khá tất bật và sinh động.
Ông Huỳnh Ri, thợ mộc nổi tiếng của làng mộc Kim Bồng, cho biết nghề mộc Kim Bồng hình thành từ cuối thế kỷ XV bởi một số thợ mộc ở đồng bằng Bắc Bộ vào khai khẩn vùng đất Cẩm Kim. Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nghề mộc Kim Bồng bắt đầu phát triển nhờ sự phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đến thế kỷ XVIII, mộc Kim Bồng phát triển mạnh mẽ và thịnh đạt thành làng nghề với 3 nhóm nghề rõ rệt: mộc xây dựng các công trình kiến trúc đô thị, mộc dân dụng và đóng tàu thuyền mộc.
Tinh hoa mộc Kim Bồng thể hiện rõ nét trên các ngôi nhà cổ ba gian, chùa, hội quán, nhà thờ tộc ở Hội An với đường nét chạm trổ tinh xảo, đẹp mắt. Cùng với sự phát triển du lịch, một bộ phận nghệ nhân mộc Kim Bồng chuyển sang làm mộc mỹ nghệ để phục vụ du khách. Đó là các loại tượng gỗ và đồ dùng phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày. “Thời ấy, thợ mộc Kim Bồng thường được chúa Nguyễn mời ra kinh đô Huế xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Chúng tôi rất tự hào vì được nối nghiệp cha ông” - ông Ri bày tỏ.
Sự đóng góp của nghề mộc Kim Bồng đối với đô thị - thương cảng Hội An rất lớn. Minh chứng là quần thể kiến trúc cổ có niên đại từ cách đây 200 năm về trước đang được bảo tồn do chính thợ mộc Kim Bồng. Không chỉ phố cổ Hội An, tài nghệ và đôi tay khéo léo của thợ mộc Kim Bồng còn để lại dấu vết khó phai trên các di tích ở Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP HCM…
Hơn 500 năm qua, do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, làng mộc Kim Bồng vang bóng đã có thời gian dài “ngủ yên” và nguy cơ thất truyền. Nhưng người làm mộc Kim Bồng luôn rất thức thời, biết cách vượt qua để làng nghề lâu đời nhất nhì cả nước trụ vững theo thời gian, trỗi dậy sau mỗi biến cố của thời cuộc.
Không bao giờ mai một
Một cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa ở Hội An cho rằng cái hay của người dân Kim Bồng là không chỉ gìn giữ những tinh hoa chạm khắc gỗ của cha ông mà còn biết phát triển kỹ năng để hội nhập với nền chạm khắc gỗ mỹ nghệ hiện đại. Dễ thấy ngay là những sản phẩm của mộc Kim Bồng bây giờ khác biệt với mộc của các làng nghề khác, đó là ít khi sơn phết, nếu có chỉ đánh bóng nhẹ nhàng để giữ màu gỗ tự nhiên. Dạo quanh các quầy trưng bày hàng lưu niệm, hình ảnh con trâu, những chiếc đĩa chạm hình lũy tre của mộc Kim Bồng luôn có sự khác biệt, không lẫn vào đâu.
Ngày nay, trên đất Kim Bồng đã có danh hiệu nghệ nhân cho một số thợ lành nghề. Trong các xóm ngõ của gần 1.000 nóc nhà làng mộc nổi tiếng này vẫn diễn ra hoạt động chạm khắc, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà. Bên cạnh đó, các hiệp thợ Kim Bồng còn tích cực góp phần trong công cuộc bảo vệ, trùng tu - tôn tạo di tích đô thị cổ Hội An.
Có điều thú vị là sản phẩm mộc Kim Bồng dù không quảng bá nhưng người yêu gỗ gần xa vẫn tìm đến đây đặt hàng. Những ngôi nhà cổ, bàn cổ theo ghe thuyền, tàu xe có mặt từ Nam chí Bắc.
Nói như nghệ nhân Huỳnh Ri, người Kim Bồng Châu chưa bao giờ xem mộc Kim Bồng là hàng hóa. Mỗi sản phẩm được tạo ra là cả quãng thời gian dài với bao công sức và tâm huyết của người thợ nơi đây. Họ luôn gìn giữ, phát huy tinh hoa, giá trị truyền thống để mộc Kim Bồng không bao giờ mai một.
Chiếc bàn “ma thuật” cứu mộc Văn Hà
Trong quá khứ, với hơn 300 năm tồn tại, nghệ nhân làng mộc Văn Hà (xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) chẳng kém cạnh làng mộc Kim Bồng về tài nghệ chạm lộng nhưng trong khi mộc Kim Bồng trỗi dậy thì làng mộc Văn Hà đang dần mai một, số nghệ nhân còn sót lại chưa tới chục người.
Cụ Đinh Thẩm (98 tuổi), bậc thầy chạm lộng, là một trong số những nghệ nhân còn sót lại. Trớ trêu thay, đến tuổi gần đất xa trời, chính cụ là người cứu làng mộc Văn Hà bằng việc sáng chế ra “chiếc bàn ma thuật” độc nhất vô nhị trong làng mộc.
Cụ Thẩm cho biết chiếc bàn tự xoay được làm bằng gỗ mít. Cấu tạo của một chiếc bàn tự xoay khá đơn giản, mặt bàn tròn được đỡ bởi một trục chính tâm nối với trụ bàn. Trục chính tâm này cũng là điểm tựa để mặt bàn có thể xoay quanh trục của nó. Để chiếc bàn xoay được phải cần từ 2 đến 3 người trở lên. Độc đáo ở chỗ sau khi đặt tay lên, chiếc bàn sẽ tự xoay, nhanh hay chậm theo ý của mình. Lạ hơn nữa là chiếc bàn có thể xoay ngược kim đồng hồ nếu lật lòng bàn tay lên. Khi có ai đó kêu lên: “Dừng lại”, lập tức nó sẽ làm theo ý muốn.
Ngoài cụ Thẩm, chỉ có nghệ nhân Trần Ngọc Tuấn và một người khác được ông truyền bí quyết đóng bàn tự xoay. Mỗi chiếc bàn độc đáo này tốn khoảng 16 ngày công, giá trên dưới 20 triệu đồng. Từ khi có sản phẩm này, du khách đến tham quan nhiều hơn, mỗi năm bán được vài chiếc.
Nhưng cụ Thẩm và những nghệ nhân nơi đây vẫn đau đáu nỗi lo làng mộc Văn Hà vắng người kế thừa, chiếc bàn tự xoay nhưng không mãi giúp làng nghề tránh bị mai một. “Vì con cháu trong nhà không ai muốn theo nghề của mình nên có người trong làng muốn là tôi sẵn lòng giúp. Buồn thay, ai cũng bỏ đi” - cụ Thẩm chạnh lòng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Bình luận (0)