Nói về đề án lần này, một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết sẽ rất khác so với những đề án trước đây. Cụ thể, quảng cáo trên xe buýt không đơn giản là mang xe ra ngoài sơn phết, quảng bá sản phẩm mà quan trọng là phải sắp xếp, tổ chức lại luồng tuyến cho tốt bởi không phải tuyến nào cũng thu hút quảng cáo. Cơ cấu phân phối nguồn thu từ quảng cáo cho doanh nghiệp xe buýt và nhà nước cũng khác.
Dự kiến giữa tháng 3-2014, Sở GTVT sẽ họp để thống nhất trước khi trình UBND TP HCM thông qua đề án.
Giúp giảm trợ giá
Với việc khởi động lại đề án lần này, ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, cho rằng thời cơ đã trôi qua vì tình hình kinh tế đang trì trệ. Cách đây khoảng 5-7 năm, Sở GTVT đã trình TP số dự toán khoản doanh thu hằng năm lên đến 100 tỉ đồng từ quảng cáo xe buýt. Khoản tiền này có thể giúp ngân sách TP HCM giảm trợ giá xe buýt ít nhất 50 tỉ đồng/năm.
Theo ông Tính, hầu hết các nước đều sử dụng hình thức quảng cáo trên xe buýt nhằm tận thu cho ngân sách của ngành vận tải công cộng. Chẳng hạn, tại TP Lyon thuộc vùng Rone Alpes - Pháp, tổ chức Syltral đã thu từ nguồn quảng cáo này khoảng 6% (trong khi doanh thu từ vé chỉ đạt 21%) nên đã góp phần rất lớn trong việc không tăng giá vé xe buýt.
Riêng TP HCM, để kìm hãm việc tăng trợ giá xe buýt, Sở GTVT đã nhiều lần tăng giá vé, như năm 2013 bình quân tăng 1.000 đồng/vé. Việc tăng giá vé khiến lượng hành khách sụt giảm, trong khi mức trợ giá mỗi năm lại tăng (năm 2013 tăng gần 200 tỉ đồng so với năm 2012).
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, sẽ lãng phí ghê gớm nếu không sớm triển khai đề án này bởi số tiền thu được từ quảng cáo tính ra không dưới 200 tỉ đồng/năm, trang trải khoảng 10% -15% chi phí ngân sách trợ giá cho xe buýt. Thêm vào đó, dịch vụ xe buýt sẽ thân thiện, lịch sự, văn minh hơn trong mắt người dân, thu hút người đi phương tiện này nhiều hơn. Kinh tế đô thị cũng sẽ phát triển hơn nhờ hình thức marketing và các hình ảnh thông tin quảng cáo di động hiện ra thường xuyên trước mắt người dân.
Không gì phải ngại!
Nhiều doanh nghiệp (DN) xe buýt đã tỏ ra rất ủng hộ đề án quảng cáo lần này.
Theo ông Nguyễn Văn Lèo, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP HCM (Citranco), nếu cho quảng cáo thì DN có một nguồn thu để trang trải chi phí, tân trang xe, chưa kể ý thức giữ gìn phương tiện sạch đẹp sẽ giúp kéo khách lên xe buýt. “Trước đây, khi đề án rục rịch triển khai, nhiều công ty quảng cáo đã đến đặt vấn đề với Citranco nhưng TP chưa cho phép. Đến nay, họ vẫn hỏi thăm thường xuyên cho thấy vẫn còn quan tâm” - ông cho biết.
Liên hiệp HTX Vận tải TP HCM (nơi quản lý 1.000 xe buýt) cũng ủng hộ đề án triển khai sớm. Theo liên hiệp này, các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương... đã thực hiện quảng cáo trên xe buýt gần 5 năm nay và hiệu quả rất tốt.
Có ý kiến tỏ ra lo ngại về nội dung quảng cáo trên xe buýt và nguy cơ mất an toàn giao thông cho người đi đường. Tuy nhiên, TS Phạm Sanh cho rằng nội dung lẫn hình thức quảng cáo bên ngoài xe buýt sẽ được các công ty quảng cáo chuyên nghiệp thiết kế và đều được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.
“Xe buýt hoạt động hằng ngày, lại nhận được phản hồi từ nhiều nguồn dư luận thì nội dung quảng cáo làm sao nhạy cảm và ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà ngại!” - ông Sanh nhận xét.
Theo ông Lê Trung Tính, từ khi có Pháp lệnh Quảng cáo đến nay, luật pháp Việt Nam chưa bao giờ cấm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt nên việc cấm đoán là sai quy định.
Cấm đoán là không có cơ sở
Theo nhiều chuyên gia giao thông, thành công của các nước trên thế giới cũng như kinh nghiệm của những địa phương đã thực hiện quảng cáo ngoài xe buýt như TP Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... cho thấy việc lo lắng để cấm đoán là không có cơ sở, làm thiệt hại cho ngân sách một khoản thu khá lớn, chưa nói đến việc đánh mất cơ hội marketing vốn ít tốn kém và hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy việc quảng cáo bên ngoài sẽ giúp hoạt động xe buýt an toàn hơn do hành khách nhận dạng rõ từ xa. Nhân viên lái xe buýt cũng cẩn thận hơn, giảm “stress” khi vào ra trạm dừng, nhà chờ...
Bình luận (0)