100 tấn sữa bột Trung Quốc sắp hết “đát”
280 tấn sữa bột này được cất giữ tại vị trí rất sâu trong kho của Hanoi Milk. Trong khi đó, lãnh đạo Hanoi Milk thông báo với đoàn kiểm tra rằng công ty chỉ nhập nguyên liệu sữa bột từ Mỹ và New Zealand. Phải mất khá lâu, các nhân viên của công ty này mới đưa được toàn bộ số sữa trên ra khỏi vị trí cất giữ để đoàn tiến hành các thủ tục kiểm tra, lấy mẫu.
Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Hanoi Milk cho biết từ cuối năm 2007, Hanoi Milk đã ký hợp đồng với một công ty tại Mỹ để mua 375 tấn sữa bột nguyên kem (Whole Milk Powder) của các hãng Longcom và Fuli (Trung Quốc). Từ đó đến nay, Hanoi Milk đã bán cho Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu (tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) 25 tấn và Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu (tại Q.Tân Bình- TPHCM) 70 tấn. Theo ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Hanoi Milk, công ty ông nhập số sữa này theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu. Toàn bộ 280 tấn bột sữa còn lại đang để trong kho, Hanoi Milk không hề sử dụng đến.
Đáng lưu ý, trong số 280 tấn bột sữa Trung Quốc tồn kho của Hanoi Milk, có đến 100 tấn là của hãng Longcom Enterprise Ltd. (Trung Quốc) đang sắp hết hạn sử dụng (trên bao bì ghi sản xuất tháng 10-2007, hạn sử dụng đến tháng 9-2008).
Phát hiện thêm nhiều lô sữa “lụi” tại TPHCM
Một nguồn tin từ Sở Y tế TPHCM tối 24-9 cho hay: Đã có kết quả kiểm nghiệm 5 mẫu sữa Yili (Trung Quốc) do Công ty Kim Ấn phân phối. Điều bất ngờ là kết quả kiểm nghiệm của các cơ quan chuyên môn tại TPHCM cho thấy hàm lượng độc chất melamine trong các mẫu sữa này cao gấp nhiều lần so với kết quả do Công ty Kim Ấn độc lập xét nghiệm và gửi đến sở trước đó. Sở Y tế TPHCM đã xin ý kiến Bộ Y tế về việc tiêu hủy toàn bộ lô hàng sữa Yili đã thu hồi. |
Cùng ngày, Chi cục Quản lý Thị trường TPHCM tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm một số điểm sản xuất, chứa trữ sữa bột mắc nhiều sai phạm. Cụ thể, Công ty TNHH Mai Trâm (đường Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp) có chức năng sản xuất chế biến cà phê nhưng công ty này lại chế biến... sữa bột, không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, không đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Tại Công ty Mai Trâm còn có 50 bao sữa bột thành phẩm hiệu Full Fat Milky, Non Dairy Cream, một bao hiệu Whole Milk, 824 vỏ bao và các dụng cụ sang chiết, đóng gói. Đại diện công ty này khai báo với cơ quan chức năng là đã mua sữa bột loại 25 kg/bao của một công ty khác để sang bao, đóng gói và dán nhãn hiệu Full Fat Milky, Non Dairy Cream (nhưng trên bao bì không ghi địa chỉ sản xuất) rồi bán cho Công ty Sông Hồng Quốc tế có địa chỉ ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp). Nhưng ngay sau đó, cơ quan chức năng xác định đây là địa chỉ “ma”.
Kiểm tra kho 336/16/1 Nguyễn Văn Luông (Q.6), quản lý thị trường phát hiện 5,3 tấn sữa bột (loại 25 kg/bao) đều không có nhãn hiệu, không nguồn gốc, không chứng từ. Số hàng này là của Công ty TNHH Đức Long Hãng (Q.10). Ngoài ra, tại kho này, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm 25 tấn bột ca cao, 5,1 tấn bơ ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định. Tại Công ty TNHH Thực phẩm Tiên Bửu (P.Tân Thới Hiệp, Q.12), quản lý thị trường phát hiện 21 thùng sữa bột các loại mang nhãn hiệu Enter Milk, trên bao bì không ghi địa chỉ nơi sản xuất, gia công.
Cũng trong ngày 24-9, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục kiểm tra một số cơ sở sản xuất trên địa bàn TP. Tại cơ sở Đại Quang (đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, sản xuất sản phẩm đóng chai sữa tươi tiệt trùng BK-milk), đoàn ghi nhận cơ sở này chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy công bố chất lượng sản phẩm đã hết hạn... Chủ cơ sở cho biết nguồn sữa “đầu vào” được lấy từ 2 trại bò ở Q.12. Trong khi đó, liên quan vụ sữa Yili (Trung Quốc) chứa melamine do Công ty Kim Ấn phân phối, ông Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc kinh doanh Công ty Kim Ấn, cho biết ngày 24-9, công ty đã thu hồi thêm 92 hộp sữa Yili loại 1 lít và Thanh tra Sở Y tế cũng đã lập biên bản niêm phong số hàng vừa thu hồi thêm này.
Theo kế hoạch, hôm nay (25-9), Thanh tra Bộ Y tế tiến hành kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sữa tại TPHCM.
Trong 280 tấn sữa bột ém tại Hanoi Milk, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế phát hiện 100 tấn sắp hết “đát”. Ảnh: N.Dung |
10 nước và vùng lãnh thổ cấm nhập sữa Trung Quốc Anh: Thu hồi kẹo Trung Quốc chứa hóa chất melamine Theo sau việc ông Lý Trường Giang, Tổng cục trưởng Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch nhà nước Trung Quốc từ chức chiều 22-9, các cửa hàng tại Trung Quốc tiếp tục công việc kiểm tra, loại bỏ những loại sữa và sản phẩm làm từ sữa nghi ngờ có chất melamine. Một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hồng Kông, Brunei và Bangladesh cũng cấm nhập khẩu sản phẩm sữa từ Trung Quốc bao gồm sữa bột, kẹo sữa và kem. Không chỉ ở châu Á, một số quốc gia tại châu Phi đã bắt đầu cấm nhập khẩu sản phẩm sữa nghi ngờ nhiễm chất gây hại sản xuất từ Trung Quốc như Gabon, Tanzania và Burundi. Theo CNN, tổng cộng đã có ít nhất 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có lệnh cấm nhập khẩu. Đáng chú ý, chính quyền Hồng Kông hôm 23-9 nói chất melamine đã được phát hiện trong một chiếc bánh bày bán ở địa phương và thêm 2 trẻ em ở đó qua chẩn đoán đã phát hiện sỏi thận sau khi uống sữa, nâng số trẻ em bị sỏi thận do uống sữa ở Hồng Kông lên 4 em. Ông Hans Troedsson, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nói rằng: “Chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh (khoảng 54.000 bệnh nhi) nhưng dĩ nhiên là không thể biết trước được con số chính xác cuối cùng là bao nhiêu”. l Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ngày 24-9, Tesco, chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất nước này, đã thu hồi các sản phẩm kẹo Trung Quốc mang nhãn hiệu “White Rabbit Creamy Candies” sau khi phát hiện những sản phẩm trên có chứa chất gây sạn thận melamine. Người phát ngôn của Tesco cho biết việc thu hồi các sản phẩm kẹo Trung Quốc mang nhãn hiệu trên chỉ là một biện pháp đề phòng. Th.Trân - A.Q |
Sữa nhập từ New Zealand: Chưa hẳn yên tâm! TPHCM kiểm soát chặt việc sử dụng sữa tại các trường mầm non Chiều 24-9, liên bộ Y tế, Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Công an... đã có buổi họp xung quanh việc sữa có melamine của Trung Quốc đã xuất hiện tại VN. Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, TS Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: Trên thị trường VN, chắc chắn không chỉ có 11 loại sữa nhập từ Trung Quốc. Không loại trừ khả năng nguyên liệu sữa được bán từ Trung Quốc sang New Zealand, sau đó được chế biến, xử lý rồi xuất sang VN. Chính vì vậy, không hẳn thấy nhãn mác sữa sản xuất ở New Zealand là yên tâm ! Do đó, liên bộ yêu cầu tạm dừng phân phối, lưu thông các loại sữa Trung Quốc trên thị trường hiện nay để lấy mẫu, kiểm nghiệm. Nếu không có “vấn đề” thì sẽ cho phép lưu thông trở lại. Đối với các loại nguyên liệu thành phẩm, bán thành phẩm liên quan đến sữa, khi nhập vào VN phải xuất trình giấy chứng nhận không có chất melamine mới được phân phối và lưu thông. Trường hợp cần thiết, VN sẽ làm lại các xét nghiệm kiểm tra các sản phẩm để xác định có chất melamine hay không. Cũng theo ông Quang, ngay trong tháng 10-2008, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm phải trình được phương án thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý. Thay vì chỉ ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đến nộp hồ sơ, ký giấy phép cho lưu hành, cục phải có khả năng thẩm định những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp công bố. - Theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM, đến nay đã xác định được 2 lô hàng sữa, nguyên liệu sữa nhập khẩu từ Trung Quốc về VN qua cảng Cát Lái. Đó là lô hàng sữa tươi tiệt trùng nhãn hiệu Yili gồm 1.494 thùng, tương đương 18.973 kg (đang được các cơ quan chức năng niêm phong để xử lý) và lô hàng sữa bột nguyên kem không đường 50 tấn do Công ty Cổ phần Hóa chất Á Châu nhập về từ ngày 8-1-2008. Trước tình hình bất ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm của mặt hàng sữa, ngày 24-9, Sở GD-ĐT TPHCM đã gửi thông báo đến lãnh đạo phòng giáo dục các quận - huyện và ban giám hiệu các trường mầm non trực thuộc về việc kiểm tra, sử dụng sữa tại các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn tại trường và việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua thực phẩm chế biến thức ăn cho trẻ. Các cơ sở giáo dục mầm non phải kiểm tra giấy chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm còn giá trị thời hạn theo quy định do cơ quan có thẩm quyền công nhận đối với các sản phẩm ăn liền từ sữa, các chế phẩm của sữa, các sản phẩm có sử dụng sữa làm nguyên liệu... Các sản phẩm phải có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị tạm thời không mua các thực phẩm chế biến sẵn (yaourt, bánh ngọt, bánh flan, rau câu...) nếu không tự chế biến được thức ăn cho trẻ. D.Thu - H.Nhân - H.Lân |
Bình luận (0)