Ấy là bởi mồ hôi công sức của họ bị người ta “ăn hớt” cả rồi, có mãi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời bên bờ xôi ruộng mật thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Thực tế đã chứng minh như vậy. Theo điều tra độc lập của Tổ chức Oxfam, từ năm 2006 trở lại đây, lợi nhuận của nông dân đã giảm từ 70% còn 10%.
Càng oái ăm hơn cho người trồng lúa khi trong hàng chục năm qua Việt Nam liên tục nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Lợi nhuận không vào túi người làm ra hạt gạo thì chảy về đâu? Cũng theo điều tra nói trên của Tổ chức Oxfam, lợi nhuận của khâu buôn bán, xuất khẩu chiếm 40%, còn lại là các khâu cung ứng vật tư, nhân công...
Khâu buôn bán, xuất khẩu do thương lái và các công ty lương thực thực hiện. Câu trả lời đã rõ: Trong lợi tức từ gạo xuất khẩu, nông dân chỉ được 10%, còn dân buôn hưởng đến 40%.
Mà số doanh nghiệp, tư nhân lẫn quốc doanh, làm ăn trong lĩnh vực xuất khẩu gạo đâu có ít, riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có hơn trăm thành viên, được dẫn dắt bởi 2 tổng công ty Vinafood 2 và Vinafood 1.
Tất nhiên, là con cưng của VFA, 2 tổng công ty này được ưu tiên nhiều trong đấu thầu bán gạo, hạn ngạch xuất khẩu... so với các doanh nghiệp còn lại. Về lý thuyết, nếu 2 tổng công ty kinh doanh hiệu quả thì nông dân cũng được lợi. Tuy nhiên, trên thực tế thì không như vậy.
Bằng chứng là mới đây, hôm 27-8, Vinafood 1 và Vinafood 2 đã thúc thủ trong phiên đấu thầu bán cho Philippines 500.000 tấn gạo. Cả hai bỏ thầu 460 USD/tấn - mức giá thấp nhất trong các nước tham gia phiên thầu - nhưng vẫn cao hơn mức giá trần mà Philippines đưa ra. Cũng may là 2 “ông lớn” này đã thất bại chứ không thì nông dân sẽ lãnh đủ. Bởi vì, theo giới kinh doanh lương thực, với mức giá ấy, tính ra giá gạo chỉ khoảng 9.756 đồng, tức chỉ 4.878 đồng/kg lúa. Trong khi đó, theo tính toán giá thành của Bộ Tài chính, để bảo đảm cho người trồng lúa có lời 30% thì giá lúa thu mua tạm trữ tối thiểu phải là 5.000 đồng. Bỏ thầu với giá thấp hơn giá sản xuất thì sẽ phải quay sang o ép người bán, chứ lẽ nào các tổng công ty lại chịu lỗ! Điều đó giải thích vì sao cứ diễn ra tình trạng nông dân bị ép giá hoặc cứ được mùa là rớt giá như trước nay.
Ít ai hy vọng việc bổ sung Vinafood 1 để cùng Vinafood 2 làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường truyền thống sẽ làm gia tăng giá trị xuất khẩu cho “hạt vàng Việt Nam” bởi tính cạnh tranh hầu như không có do vắng bóng các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, ngoài VFA. Hầu hết các thành viên VFA hiện đều có quyền tự do kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, nên cho họ từng bước cùng tham gia để tạo ra sự cạnh tranh. Có cạnh tranh thì mới có động lực, may ra mới sòng phẳng với nông dân được!
Bình luận (0)