Sau diễn văn bế mạc khẳng định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Đại hội XII) đã thành công tốt đẹp của Tổng Bí thư tái đắc cử Nguyễn Phú Trọng sáng 28-1, 1.510 đại biểu đã lưu luyến tạm biệt nhau sau 8 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thân mật bắt tay, ôm hôm tạm biệt các đại biểu dự Đại hội. Do không ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ông sẽ rời cương vị đang đảm nhiệm khi Quốc hội khóa XIV trong kỳ họp thứ nhất, dự kiến diễn ra từ tháng 7-2016 sau cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2016, bầu các chức danh lãnh đạo nhiệm kỳ mới của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ.
Tại Đại hội XII, dù được nhiều đại biểu đề cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XII song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kiên quyết xin rút. Đại hội XII sau đó đã đồng ý để ông không ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới.
Trong diễn văn bế mạc Đại hội XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại Đại hội XII, nhiều vị trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI còn sức khoẻ, đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác song đã gương mẫu, không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, tạo điều kiện để trẻ hoá, bổ sung lực lượng mới vào cơ quan lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ mới. “Đó là một nghĩa cử cao đẹp, đầy trách nhiệm. Đại hội chân thành cảm ơn và đánh giá cao những cống hiến của các đồng chí và xin chúc các đồng chí khoẻ mạnh, hạnh phúc, tiếp tục đóng góp tâm huyết, năng lực, kinh nghiệm của mình vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc ta” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Trong bài tham luận được đánh giá cao tại Đại hội XII, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khi thay mặt 9 triệu đoàn viên và tổ chức Công đoàn Việt Nam xin cảm ơn Đảng Cộng sản Việt Nam, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và luôn quan tâm đến hoạt động của tổ chức Công đoàn đã bày tỏ sự kính trọng và biết ơn với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Đặc biệt, chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và vô cùng biết ơn đồng chí Trương Tấn Sang - Chủ tịch Nước và đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo, khi lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Trung Quốc từ thời cổ đại, ngay lập tức Chủ tịch Nước lên tiếng: “Hoàng Sa, Trường Sa do tổ tiên Việt Nam là người đầu tiên phát hiện và xác lập chủ quyền”; và phát biểu của Thủ tướng tại Philippines “Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị, để xây dựng, phát triển đất nước và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng khẳng định những tuyên bố trên đã làm nức lòng hàng triệu đảng viên và nhân dân cả nước, là niềm tự hào dân tộc. “Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta tuy nhỏ nhưng ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là không nhỏ, là không giới hạn. Đảng ta, nhân dân ta rất cần những nhà lãnh đạo đầy khí phách và bản lĩnh như vậy” - Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng tha thiết bày tỏ.
Một số hình ảnh của Thủ tướng tại phiên bế mạc Đại hội XII:
Thủ tướng nở nụ cười bắt tay các đại biểu tại phiên bế mạc Đại hội XII
Thủ tướng thân mật trò chuyện với các đại biểu
Thủ tướng thân mật ôm hôn các đại biểu
Thủ tướng với các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Đại hội XII
Bình luận (0)