Chiều 23-3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017 của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỉ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn 0,5%-1,5% so với cho vay bình thường.
Mới có 25 doanh nghiệp được vay vốn
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết sau khi có nghị quyết của Chính phủ, bộ đã ban hành Quyết định số 738 quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã cấp giấy chứng nhận cho 25 doanh nghiệp (DN) NNCNC.
Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN, đến nay các NHTM đã cho các DN thuộc đối tượng này vay trên 3.700 tỉ đồng. Đáng chú ý, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, nhiều NHTM đã cam kết tham gia chương trình này, như NH Bắc Á dành gói tín dụng tới 30.000 tỉ đồng; các NH Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Liên Việt… cam kết mỗi NH giải ngân 10.000 tỉ đồng.
Trước thông tin này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn: “Đó mới chỉ là cam kết bằng miệng, có cơ sở gì để buộc các NHTM thực hiện như đã hứa?”. Làm rõ băn khoăn của mình, Phó Thủ tướng phân tích gói tín dụng dành cho DN làm NNCNC 100.000 tỉ đồng này là loại tín dụng thương mại bình thường, không có sự hỗ trợ của Chính phủ như tái cấp vốn, cấp bù lãi suất mà phụ thuộc vào quan hệ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng. Vì vậy, để làm được thì chính sách phải rất rõ ràng.
“Phải cụ thể hóa những đối tượng được vay, cho vay theo chuỗi hay cho vay theo từng công đoạn của sản xuất NNCNC. Nếu chỉ quy định là DN và HTX thì lại bó hẹp quá. Tôi đi Đà Lạt thấy hầu hết trang trại, hộ gia đình trồng rau, hoa trong nhà kính… đều áp dụng công nghệ cao rất hiệu quả và hướng đến doanh thu 200 tỉ đồng/ha. Do vậy, phải mở rộng đối tượng đến các hộ gia đình, mô hình trang trại” - Phó Thủ tướng gợi mở.
Một vấn đề nữa, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, là phải quy định phân loại các gói như vay ngắn hạn, dài hạn để phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, cần làm rõ thời gian nào hoàn tất việc giải ngân hết 100.000 tỉ đồng.
“Đến năm 2020 liệu có giải ngân xong? Chính sách phải rõ ràng vì nói mà không làm được thì có tội với người dân và DN” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Rủi ro nhưng không quá lo”
Trước những lưu ý của Phó Thủ tướng, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank, khẳng định đã giải ngân 400 tỉ đồng (trong gói tín dụng phát triển nông nghiệp sạch dự kiến 50.000 tỉ đồng) cho 14 khách hàng là DN, HTX, chủ trang trại, hộ gia đình vay với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5%-1,5%.
Dù vậy, ông Thành cho rằng việc cho vay đối với khách hàng làm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. “Đáng lo ngại là tài sản bảo đảm để vay vốn là quyền sử dụng đất nông nghiệp thường có giá trị rất thấp nên giá trị cho vay cũng thấp. Còn tài sản trên đất như nhà kính, nhà lưới giá trị rất đắt tiền song khi sản xuất gặp rủi ro thì tài sản này thanh lý rất rẻ, chỉ bán phế liệu thôi” - ông Thành phân trần.
Bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nêu thực tế khi cho vay NNCNC thì khách hàng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro, còn nếu tài sản nhỏ lẻ thì khó cho vay. Do vậy, bà Thái đề nghị đối với gói tín dụng 100.000 tỉ đồng, cần có khung pháp lý, quy định rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan và nguồn vốn thực hiện.
Theo ông Cát Quang Dương, thành viên HĐQT VietinBank, nghị định của Chính phủ quy định chỉ được xử lý rủi ro phần lãi suất nhưng trong nông nghiệp khi gặp rủi ro là mất hết vốn. Vì thế, cần quy định rõ danh mục dự án NNCNC khi tiến hành xử lý rủi ro, theo đó tài sản bảo đảm là sổ đỏ và tài sản bảo đảm trên đất nông nghiệp.
Về lo lắng của các NH, Phó Thủ tướng thẳng thắn: “Xin thưa là nợ xấu nằm ở đâu chứ không phải nằm ở lĩnh vực này. Các anh cho bà con nông dân vay để con cái họ đi học, người ta chắt chiu từng đồng trả nợ chứ không phải như các đại gia vay số lượng lớn cho các dự án thiếu hiệu quả đâu. Cho vay nông nghiệp có rủi ro nhưng không quá lo lắng như các anh nêu”.
Linh động thủ tục cho vay
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định gói tín dụng 100.000 tỉ đồng cho vay phát triển NNCNC là chủ trương đã được nêu rõ trong nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao, hiệu quả, nông nghiệp sạch.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN cần sớm có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ. Bộ NN-PTNT phối hợp với NHNN nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định, chính sách cần thiết để tháo gỡ vướng mắc. Các NHTM nghiên cứu nhiều hình thức cho vay, linh động thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng vay vốn.
Bình luận (0)