Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết chỉ tiêu đóng mới tàu cá ở tỉnh này là 185 tàu nhưng hiện chỉ mới hạ thủy 9 tàu và đang đóng 4 tàu cá khác. Thiếu vốn là một trở ngại lớn khiến số lượng tàu mới đóng còn ít.
Đành buông bỏ
Thuyền trưởng Lương Công Xuyên, chủ tàu cá vỏ gỗ PY-90144-TS (ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), bao năm mơ ước có được một con tàu composite lớn để chuyển sang nghề lưới rút, khai thác cá ngừ vằn có thu nhập cao hơn. Thế nhưng, dù đã được phê duyệt hơn 1 năm qua, ông cũng không thể thực hiện được mơ ước của mình vì không thể vay ngân hàng (NH).
“Để đóng con tàu composite 7 tỉ đồng, tôi phải có vốn đối ứng 700 triệu đồng. Trong nhà làm sao có khoản tiền ấy. Tôi đề nghị thế chấp con tàu đang khai thác để làm vốn đối ứng mà NH không chịu. Đành bỏ thôi!” - thuyền trưởng Xuyên chua chát.
Ông Mai Thành Phúc - ngư dân ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - vừa vay được 4 tỉ đồng để đóng và đã hạ thủy con tàu composite khai thác cá ngừ đại dương. Trước đó, ông cũng trầy trật suốt 7-8 tháng mới lo xong các thủ tục để được vay tiền. “Vay vốn khó lắm! Hồi đó, tôi đã định không làm nữa. Đủ thứ việc! Hết chỗ này rồi chỗ kia hành” - ông chia sẻ.
Khi đăng ký đóng tàu mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thấy ông Phúc có truyền thống làm biển xa khơi nên duyệt nhưng khi qua NH thì họ bảo rằng còn thiếu nợ NH, thế chấp tài sản nên không cho vay. Cuối cùng, ông phải vay “nóng” trả hết nợ cho NH rồi mới được vay để đóng tàu dù đã chuẩn bị đủ vốn đối ứng 440 triệu đồng.
Dù là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và hiện có 2 tàu khai thác cá ngừ đại dương, ông Phan Thuẫn đành gác lại dự định thay mới máy tàu trị giá 1 tỉ đồng cho an toàn khi ra khơi. Vì là tàu vỏ gỗ nên vốn đối ứng 30% (tức 300 triệu đồng). Ông đã đề nghị nhiều lần rằng NH nên nới lỏng cho ngư dân, chấp nhận vốn đối ứng là tài sản vốn có của ngư dân như ghe, nhà, đất.
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Phú Yên, nói rằng việc ngư dân có khó tiếp cận vốn vay để đóng tàu hay không thì ông chịu thua. “Khó hay không thì giữa NH và người dân nắm nhưng vốn đối ứng thì họ phải có rồi. Quy định vậy!” - ông Nhạn nói.
Xuất hiện “cò” Nghị định 67
Một giám đốc chi nhánh NH cổ phần thương mại tại Khánh Hòa cho hay từ trước đến nay, NH này chỉ mới cho duy nhất một ngư dân vay đóng tàu composite trị giá 7 tỉ đồng và đã hạ thủy. “Do NH sợ họ chứ sao! Sợ họ chạy, sợ việc đóng tàu là không thực, sợ họ đội giá lên. Có nhiều nỗi sợ. Nỗi sợ chính là họ không trả được nợ. Do vậy, phải kiểm định chặt” - vị này nói.
Cũng theo giám đốc NH này, hiện có những cơ sở đóng tàu sẵn sàng ký xác nhận đóng con tàu ấy với giá trị 12 tỉ đồng, thậm chí 15 tỉ đồng dù thực tế con tàu chỉ 10 tỉ đồng. Có nơi xuất hiện cả “cò” Nghị định 67 để nâng giá. NH này từng phát hiện trường hợp ở tỉnh khác được “cò” dắt vào Khánh Hòa đến NH vay vốn.
Vị giám đốc NH cho rằng cho vay đóng tàu là một loại hình cho vay nhiều rủi ro để thu hồi vốn nên các NH đều dè chừng. “Không phải chúng tôi từ chối mà ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay là đúng. NH phải chọn lựa, sàng lọc. Mà sàng lọc còn kỹ hơn bình thường vì vốn vay đóng tàu lớn. Nếu vay xây nhà, mua đất, 10 trường hợp thì giỏi lắm rớt chỉ 2 trường hợp nhưng vay đóng tàu 10 trường hợp thì có đến 8 trường hợp bị loại” - giám đốc NH này thừa nhận.
Ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh Phú Yên, chia sẻ với nỗi lo của các NH thương mại khi cho vay vốn để đóng tàu mới. Thứ nhất, ngư dân đánh bắt xong chuyến biển thì về các tỉnh khác bán, không về địa phương nên NH không thể giám sát hiệu quả khai thác để thu hồi nợ. Thứ hai, hiện nhiều cơ sở đóng tàu tiếp thị đến ngư dân về mức chiết khấu. Giả sử ngư dân bỏ ra vốn đối ứng 5% nhưng nhận lại chiết khấu 5% thì ngư dân không bỏ ra đồng nào cho con tàu. Vậy thì con tàu ấy liệu có đúng chất lượng?
“Tuy nhiên, nếu ngư dân đã được tỉnh duyệt để đóng tàu mới thì NH phải hướng dẫn họ lập hợp đồng tín dụng, không được từ chối. Còn lo ngại thì phải đề xuất các biện pháp để tháo gỡ, giám sát chứ không thể nói tôi lo nên không cho vay. Trong trường hợp NH không đồng ý hướng dẫn cho ngư dân làm hợp đồng tín dụng thì phải có văn bản báo cáo cho chủ tịch tỉnh đấy” - ông Hàn khẳng định.
Không thể lấy tài sản thế chấp cho vốn đối ứng
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, thừa nhận ngư dân không đủ năng lực tài chính về vốn đối ứng. “Vốn đối ứng mà lấy tài sản sao được. Tài sản thế chấp cho vốn vay NH đã là con tàu rồi mà giờ làm sao cũng lấy con tàu ấy để thế chấp cho vốn đối ứng. Ví dụ, để đóng một con tàu cá 7 tỉ đồng thì theo quy định đã thế chấp con tàu cũ để vay 6,3 tỉ đồng rồi. Giờ bảo tiếp tục thế chấp con tàu cũ ấy để có vốn đối ứng 700 triệu đồng thì làm sao được” - ông Phương nói.
Bình luận (0)