- Ông Lê Nam: Thanh tra Chính phủ đã có những cố gắng nhưng báo cáo ấy chưa nói được hết thực trạng, phản ánh hết mong mong muốn của cử tri cả nước.
* Tham nhũng nhiều nhưng xử lý trách nhiệm cá nhân thì quá ít. Nhìn vào kết quả xử lý tham nhũng thời gian qua, dư luận một lần nữa đặt ra nghi ngờ về tiêu cực trong công tác thanh tra, xử lý sai phạm?
- Ngay trong cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi cũng đã đặt ra câu hỏi về vấn đề này và cũng có trả lời như vậy. Kết quả đó đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao tham nhũng lại xử án treo như vậy, nhiều vụ tham nhũng thanh tra phát hiện ra nhưng lại không xử lý, đề nghị truy tố,… Nhân dân có quyền hoài nghi có tiêu cực trong cơ quan có trách nhiệm trước nhân dân về phòng chống tham nhũng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đã nói rõ rồi. Yêu cầu của Đảng rất gấp gáp, cấp bách nhưng những việc chúng ta làm được vẫn đang chỉ có những kết quả hạn chế, vẫn ở những khâu “tổ chức triển khai”, còn “thực hiện” thì chưa rõ. Số liệu đánh giá thì như vậy nhưng trong dư luận nhân dân thì tham nhũng vẫn đang rất nghiêm trọng, phức tạp.
* Theo ông chúng ta có thiếu chế tài, quy định pháp luật khi xử lý tham nhũng?
- Chúng ta thiếu nhiều thứ, trong đó có cả quy định của pháp luật. Nhưng thiếu hụt về pháp luật không phải vấn đề cơ bản, cái chính là thiếu thiết chế: bộ máy của cơ quan, người làm công tác phòng chống tham nhũng phải như là những người có trong thanh bảo kiếm, có khả năng, điều kiện giải quyết các vụ án, tiêu diệt ngay tham nhũng. Đó là yêu cầu hiện nay.
Trong báo cáo của Chính phủ có nói tới các cơ quan phòng chống tham nhũng nhưng nó rất rời rạc. Chúng ta có Cục phòng chống tham nhũng của Bộ Công an, Cục chống tham nhũng của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Cục phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ,… Nhưng bộ máy ấy không đủ sức và đáp ứng được mong mỏi của người dân. Còn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng chỉ là ban chỉ đạo thôi chứ không trực tiếp đứng ra để chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng được.
Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi thấy nhân dân sốt ruột với cách xử lý, đặc biệt đối với những người có chức, có quyền. Cử tri cho rằng xử lý tham nhũng bây giờ quá nhẹ so với trước đây. Những vụ như Nguyễn Văn Mười Hai hay ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây được chúng ta xử lý nghiêm hơn bây giờ, dù hồi ấy không hô hào về phòng chống tham nhũng nhiều như bây giờ.
Những cán bộ cỡ lớn sai phạm về đất đai quản lý công bố trên báo đài cũng chỉ là kỷ luật cảnh cáo thôi. Người dân rất băn khoăn, hoài nghi và cho rằng xử lý như thế là không nghiêm.
Rà soát lại các vụ đã đình chỉ hoặc xử lý hành chính
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cho rằng trong năm 2014, Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phải xử lý được dứt điểm được tất cả các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ tham nhũng mà đã khởi tố điều tra trên 3 năm rồi.
Hơn nữa, phải cương quyết rà soát tất cả các trường hợp vụ án lớn, nghiêm trọng mà đình chỉ điều tra hoặc xử lý hành chính phải phục hồi lại, xem xét xử lý hình sự. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, còn việc xử lý tham nhũng không phản ánh đúng sự việc xảy ra. Tỉ lệ phát hiện tham nhũng rất thấp so với thực tế. Tham nhũng phát hiện thời gian qua đa số do báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, chứ trong nội bộ phát hiện, đấu tranh với vấn đề này còn có những hạn chế nhất định. |
Bình luận (0)