Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình: Không thể thu hồi 100% tài sản bị tham nhũng
Trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội ngày 28-10, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết quá trình tiến hành tố tụng 10 "đại án" tham nhũng gặp không ít khó khăn.
Ngoài khó khăn chung trong việc chứng minh sai phạm của các vụ án tham nhũng thì đối tượng trong các "đại án" này đều là người có chức vụ, quyền hạn. “Vụ án lớn nên yêu cầu chứng minh rất nhiều. Nhiều vụ có yếu tố nước ngoài nên phải có văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp nhưng sự hưởng ứng của các cơ quan tố tụng nước ngoài không như mong muốn, có nước thì tốt nhưng cũng có nước hạn chế. Nhiều yêu cầu đòi hỏi nhưng khả năng đáp ứng của họ có mức độ”- ông Bình nói.
Theo ông Bình, đòi hỏi của dư luận trong việc xử lý các "đại án" tham nhũng rất cao, vừa muốn chính xác, triệt để nhưng phải làm nhanh và khẩn trương. “Tinh thần các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ cố gắng hết mình, phối hợp với nhau rất chặt chẽ” - ông Bình khẳng định.
Trả lời câu hỏi về việc càng chậm trễ đưa các "đại án" tham nhũng ra xét xử sẽ càng khiến việc thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn hoặc chỉ thu hồi được một phần rất nhỏ, ông Nguyễn Hòa Bình nói: “Các vụ án kinh tế và tham nhũng nói chung, không phải tới bây giờ mà từ lâu rồi, cũng không chỉ có Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, khả năng thu hồi tài sản không bao giờ đạt được 100%. Sau này cũng thế. Đây là một thực tế”.
Trong những vụ án tham nhũng, khi cơ quan tiến hành các biện pháp tố tụng thì hành vi phạm tội đã xảy ra trước đó nhiều năm. Chính vì thế cho tới lúc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chỉ là chứng minh sai phạm.
“Tinh thần chỉ đạo chung là thu hồi được càng nhiều càng tốt. Trong tương lai cần có sự thay đổi các quy định trong luật tố tụng, luật hình sự để làm tăng khả năng truy thu tài sản trong các vụ án tham nhũng. Các quy định hiện hành có hạn chế: Chỉ tài sản được hình thành từ con đường bất hợp pháp, phạm tội thì mới bị thu. Tôi nghĩ là phải khắc phục điều này”- ông Bình nói.
Báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) mới đây cho thấy việc thi hành án, thu hồi các khoản tiền sai phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính dẫn tới việc này là trong quá trình tiến hành tố tụng, các biện pháp bảo đảm tài sản để thi hành án đã không được làm tốt. Tổng cục Thi hành án dân sự đã nhiều lần có kiến nghị với VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Công an cần có sự phối hợp, sửa đổi các quy định để đảm bảo việc phong tỏa, niêm phong tài sản của các bị can liên quan được tốt hơn, giúp việc thi hành án sau khi bản án có hiệu lực đạt hiệu quả cao.
Bản án hình sự tuyên 9 bị cáo trong vụ Vinashin thi hành 2 khoản: án phí và tiền phạt trên 2 tỉ đồng; khoản bồi thường cho nhà nước trên 1.200 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan thi hành án dân sự mới thu hồi được một khoản tiền rất nhỏ, lần lượt là 230 triệu đồng và 31 tỉ đồng.
10 "đại án" tham nhũng
Đó là các vụ án tại: 1- Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); 2- Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Agribank); 3- Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP HCM; 4- Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; 5- Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; 6- Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Nông; 7- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; 8- Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên; 9- Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank; 10- Tập đoàn Vinashin.
(Nguồn: Theo báo cáo của Viện KSND tối cao)
|
Bình luận (0)