Đêm 15 rạng sáng 16-12, nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam có mưa lớn, nhất là khu vực thượng nguồn. Do lượng nước mưa lớn đổ về trong khi hầu hết các hồ chứa đã đầy nước nên các thủy điện buộc phải xả lũ điều tiết xuống hạ du.
Theo số liệu báo cáo về tình hình điều tiết lũ của các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) lúc 7 giờ sáng 16-12, có các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 đang tiến hành xả lũ.
Hội An mênh mông nước
Theo đó, lượng nước về thủy điện A Vương thời điểm 7 giờ là 344,7 m3/s, thủy điện này xả lũ điều tiết với lưu lượng 247,1 m3/s, giảm dần so với thời điểm 1 giờ và 4 giờ sáng cùng ngày. Lượng nước về hồ thủy điện Đăk Mi 4 là 992,2 m3/s, lưu lượng xả điều tiết là 1.020 m3/s, giảm so với lúc 4 giờ nhưng tăng hơn so với thời điểm 1 giờ sáng cùng ngày.
Thủy điện Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng 1.077 m3/s, bằng với lượng nước về hồ và bằng với thời điểm 4 giờ sáng nhưng thấp hơn lúc 1 giờ sáng cùng ngày. Trong khi đó, thủy điện Sông Tranh 2 tăng dần lưu lượng điều tiết khi lượng nước về hồ tăng mạnh theo thời gian. Lúc 1 giờ sáng 16-12, thủy điện này xả 2.102 m3/s, lúc 4 giờ là 2.535 m3/s, lúc 7 giờ là 3.097 m3/s. Mức xả tại các thời điểm trên bằng với lượng nước về hồ.
Lượng nước từ thủy điện đổ về cộng với lượng nước sẵn có do mưa lớn trong những ngày qua đã khiến nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Nam bị ngập nặng. Trong đêm 15 rạng sáng 16-12, nhiều người dân ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, TP Hội An đã phải gấp rút di chuyển đồ đạc, gia súc gia cầm lên cao tránh lũ.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, do lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn cộng với triều cường đã khiến nhiều nơi ở TP Hội An ngập rất nặng. Rạng sáng 16-12, mực nước có giảm xuống vài cm nhưng đến đầu giờ trưa thì tăng mạnh trở lại. Đây là đợt ngập lụt lớn nhất trong vòng 3 năm qua ở TP Hội An.
Để chủ động đối phó với lũ và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, du khách. Sáng 16-12, UBND TP Hội An đã huy động tất cả các lực lượng, phương tiện giúp người dân vùng nước ngập sâu chảy xiết sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời tiếp tế lương thực và nước uống cho người dân.
2 ngày, 4 người chết và mất tích
Theo báo cáo nhanh của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có ít nhất 2.000 nhà bị ngập, 5 nhà bị đất đá sạt lở gây sụp đổ và hư hỏng nhà. Tất cả khu dân cư ở vùng đông và vùng tây huyện Duy Xuyên bị ngập, 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong (thị xã Điện Bàn) bị cô lập từ ngày 14 đến nay, cầu tre và đường đất vừa đắp lại do lũ đợt 1qua thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) bị cuốn trôi, cô lập 300 hộ dân. Các xã Đại An, Đại Cường, Đại Hòa huyện Đại Lộc bị ngập hoàn toàn.
Về nông nghiệp, thiệt hại 85,4 ha hoa màu các loại, cộng lũ đợt 1 gần 3000 ha. Về giao thông, các Tuyến đường ĐT 609, 610 bị ngập không thể đi lại được, một số tuyến đường liên xã, liên thôn của thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Đại Lộc bị chia cắt gây ách tắc giao thông.
Chỉ trong 2 ngày 14 và 15-12, tại tỉnh Quảng Nam có 4 người chết và mất tích trong mưa lũ. Cụ thể, chiều 15-12, ông Lê Công Đức (SN 1968) - công nhân hợp đồng của Công ty 384 đang thi công đường Đông Trường Sơn đoạn qua xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam trên đường lội suối về đơn vị thì bị nước cuốn trôi. Đến 17 giờ cùng ngày, chính quyền địa phương đã phối hợp tìm được thi thể nạn nhân. Tại huyện Bắc Trà My, lúc 9 giờ sáng 16-12, mưa lớn đã làm sạt lở đất gây sập hoàn toàn căn nhà của hộ bà Hoàng Thị Hà. Rất may không ảnh hưởng về người.
3 người chết và mất tích khác mà Báo Người Lao Động đã thông tin là trường hợp ông Trần Văn Hùng (ngụ huyện Đại Lộc) bị điện giật chết khi bắt heo đi tránh lũ, ông Trần Văn Lại (62 tuổi, ngụ thị xã Điện Bàn) bị trôi mất tích khi xuống cống nhặt ví cho chị gái vào chiều 15-12 và ông Châu Thịnh (48 tuổi, ngụ huyện Thăng Bình) bị đuối nước trong lúc đi bắt ốc chiều 14-12.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận ở TP Hội An:
Nước lênh láng ở nhà dân
Nhịp sông Hội An trong lũ
Đây là đợt lũ lớn nhất trong 3 năm qua ở Hội An
Khắp nơi bị nước lũ bao vây
Di chuyển vật dụng trong đêm
Người dân đã có một đêm vất vả
Nước lên nhanh và xuống rất chậm
Dùng ghe để di chuyển đồ đạc
Lo lắng khi nước lũ liên tục dâng cao
Bình luận (0)