Theo ông Trương Đăng Tuyến, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, tất cả các hoạt động trong Festival Biển 2011- diễn ra từ ngày 11 đến 15-6 tại Nha Trang - đều mang dấu ấn về biển đảo.
Giáo dục tinh thần yêu nước
Trả lời báo chí, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Festival Biển 2011, khẳng định: “Điểm nhấn đặc biệt xuyên suốt các hoạt động, chương trình là lễ hội này hướng về biển đảo thân yêu cũng như đề cao việc bảo tồn biển”.
Tại Festival Biển 2011, sẽ có trên 60 hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, như: lễ hội cầu ngư, thả hoa đăng, thi đấu cờ người, thả diều, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày tư liệu, triển lãm tranh ảnh về Trường Sa - Hoàng Sa... “Festival Biển 2011 là cơ hội quảng bá hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa văn minh, thân thiện. Chính vì vậy, việc dàn dựng và thực hiện những chương trình biểu diễn nghệ thuật mới lạ, có quy mô hoành tráng, phù hợp với chủ đề “Nha Trang - Biển hẹn” được Ban Tổ chức đặt lên hàng đầu”- ông Thân cho biết.
Du khách đang xem bản đồ Việt Nam do người Hà Lan vẽ, bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: HỒNG ÁNH
Công trình bản đồ Trường Sa ghép bằng hạt cà phê do Công ty Cổ phần Cà phê Mê Trang thực hiện có mặt tại triển lãm đã thực sự thu hút du khách vì sự độc đáo và ý nghĩa cao đẹp của những người thực hiện. Công trình thể hiện tình cảm chân thành của người dân hướng về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời tôn vinh giá trị của cà phê Việt Nam - một loại nông sản có thế mạnh trên thị trường thế giới.
Cũng thể hiện chủ đề hướng về biển đảo, chiều 8-6, khu trưng bày tài nguyên Hoàng Sa - Trường Sa đã được khánh thành tại Viện Hải dương học Nha Trang. “Khu trưng bày không chỉ giới thiệu về sự đa dạng và giàu có tài nguyên ở 2 quần đảo này mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước của các công dân Việt Nam, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ” - ông Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh.
Đất nước mình ở đâu cũng thân thương
Ngày 10-6, khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đông nghịt người. Du khách đến đây không chỉ để hiểu hơn tài nguyên phong phú và quý giá ở 2 quần đảo này mà còn thể hiện tình yêu đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bày tỏ thái độ bất bình trước sự gây hấn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây.
TS Bùi Hồng Long, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết: “Khu trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa - Trường Sa sẽ giúp du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều văn bản pháp quy được trưng bày ở đây khẳng định chủ quyền của Việt Nam, cả những hình ảnh sinh hoạt của người dân Việt từ ngàn xưa đến nay trên 2 quần đảo này”.
Đảo của chúng ta! Quần đảo Trường Sa luôn được ngư dân ghé đến thường xuyên. Giữa biển khơi, gặp rủi ro, ngư dân chỉ còn biết trông cậy vào lòng quả cảm, tình đồng bào của những người lính đảo. “Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn, vất vả nhưng khi người dân gặp rủi ro, anh em trên đảo luôn san sẻ những gì mình có” - chính trị viên đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa Nguyễn Xuân Minh tâm sự. Năm 2006, khi cơn bão Chanchu vừa tan, lính đảo phát hiện một chiếc tàu của ngư dân Quảng Ngãi hết nhiên liệu, trôi trên biển. Xin ý kiến cấp trên, các anh trích phần dầu dự trữ thắp sáng để biếu cho chiếc tàu ấy về đất liền. Rất nhiều trường hợp ngư dân bị ngộ độc khi ăn hải sản, bệnh đột ngột… đều nhanh chóng cập đảo để được cứu chữa. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, khẳng định: “người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Đơn giản vì một lẽ: Đó là đảo của chúng ta!”. |
Bình luận (0)